Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Được truyền nghề từ ông cha, ông Võ Quang Lương (SN 1958) - Giám đốc HTX Thu mua chế biến thủy hải sản Lương Cẩn ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã nỗ lực đưa sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình đạt chứng nhận OCOP 3 sao, để đến với nhiều tỉnh, thành trong nước.

Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

Hiện, HTX thu mua chế biến thủy hải sản Lương Cẩn đang có 120 bể chượp để sản xuất nước mắm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Cẩm Nhượng, từ nhỏ, ông Võ Quang Lương đã được ông, cha truyền dạy lại công thức làm nước mắm. Vì thế, ông đã quyết tâm theo đuổi và giữ nghề cũng như không ngừng “nêm nếm” để đưa thương hiệu nước mắm của gia đình ngày càng bay xa.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực nhiều nhưng suốt hơn 40 năm qua, sản phẩm nước mắm của gia đình ông Lương vẫn chỉ trong phạm vi tỉnh nhà, thế nên, ông luôn đau đáu mong muốn đưa sản phẩm truyền thống này đến với nhiều thị trường rộng lớn hơn.

Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

Nhân công của HTX thu mua chế biến thủy hải sản Lương Cẩn đang tiến hành “đánh đảo” để chắt lọc ra những giọt nước mắm tinh túy nhất.

Xuất phát từ mong muốn đó, năm 2020, ông Lương và vợ là bà Nguyễn Thị Cẩn (SN 1965) đã thành lập HTX Thu mua chế biến thủy hải sản Lương Cẩn. Vợ chồng ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng lên 400m2, đầu tư máy móc đóng chai, đầu tư, nâng số bể chượp (bể chứa nguyên cá đang được ướp muối để làm nước mắm) từ 40 lên 120 bể....

Để thương hiệu có chỗ đứng và thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, năm 2020, ông Lương đã đăng ký tham gia tập huấn kiến thức, làm hồ sơ để xây dựng, phát triển thương hiệu nước mắm Lương Cẩn trở thành sản phẩm OCOP. Đến tháng 12/2021, qua các vòng thẩm định chất lượng, sản phẩm nước mắm Lương Cẩn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

Để sản xuất ra những chai nước mắm thơm, ngon, vợ chồng ông Lương và các nhân công phải kiên nhẫn trong 1,5 năm để ủ cá và muối.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Lương cho biết, để có được những giọt nước mắm chuẩn vị thì yếu tố quan trọng hàng đầu khâu chọn nguyên liệu cá và muối. Nhờ vị trí thuận lợi ở gần chợ cá Cồn Gò nên gia đình luôn chọn mua được nguồn cá cơm tươi ngon trong ngày.

Mỗi năm, HTX của ông Lương sử dụng hơn 20 tấn cá cơm để chế biến nước mắm. Nguồn muối được cung cấp bởi các cơ sở sản xuất muối sạch tại thôn Liên Thành (xã Cẩm Nhượng). Sau khi phối trộn cá và muối với tỷ lệ 4 tạ cá/tạ muối, hỗn hợp này sẽ trải qua một quá trình vô cùng cầu kì và tỉ mẩn như: ướp chượp, đánh đảo, xử lý độ mặn…

“Ngoài việc lựa chọn cá, muối chất lượng, tỷ lệ và thời gian ủ đảm bảo thì khi làm xong chúng tôi đều phơi nước mắm thêm vài nắng để sản phẩm lên màu tự nhiên và thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, muối ướp cũng được chọn lựa kỹ lưỡng từ các loại muối tinh khiết, được cất trữ trong 1 năm để loại bỏ bớt vị chát, đắng, đảm bảo nước mắm ngon mà còn tạo màu sắc đẹp mắt”, ông Lương bật mí.

Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

Tiếp nối truyền thống gia đình, vợ chồng ông Lương luôn cố gắng để sản phẩm nước mắm Lương Cẩn được "bay xa" hơn trong tương lai. (Trong ảnh: Quy trình đóng chai của thương hiệu nước mắm Lương Cẩn).

Cũng theo ông Lương, để sản xuất ra những chai nước mắm thơm, ngon phải mất một năm rưỡi năm để ủ cá và muối. Trung bình mỗi bể chượp sẽ cho khoảng 200 lít nước mắm, cả năm có thể thu về hơn 22 nghìn lít. Giá bán nước mắm loại 1 là 140 nghìn đồng/lít, loại 2 là 80 nghìn đồng/lít. Hiện, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 công nhân với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng; bình quân mỗi năm cơ sở có thu nhập khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thu lãi gần 350 triệu đồng.

Sản phẩm nước mắm Lương Cẩn chinh phục thị trường bởi có hương vị tự nhiên, độ đạm cao và đảm bảo 3 không: không phẩm màu, không hương liệu, không chất bảo quản. Hiện tại, sản phẩm đã được mở rộng thị trường tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh, một số tỉnh thành khác như: Nghệ An, Phú Thọ, Đà Nẵng…

Từ nước mắm gia truyền đến sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh

Sản phẩm nước mắm Lương Cẩn chinh phục thị trường bởi đảm bảo 3 không: không phẩm màu, không hương liệu, không chất bảo quản.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Lương cho biết: “Để có đủ khả năng cạnh tranh với thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi sẽ đầu tư thêm các thiết bị máy móc, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để thương hiệu nước mắm Lương Cẩn ngày một vươn xa hơn”.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Nghề làm nước mắm của HTX thu mua chế biến thủy hải sản Lương Cẩn là một nghề truyền thống. Qua thời gian nỗ lực gây dựng thương hiệu, sản phẩm đã được người tiêu dùng ưu tiên bởi chất lượng thơm ngon. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để thương hiệu nước mắm Lương Cẩn ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực cho quê hương...".

Chủ đề Món ngon Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Thời tiết thuận lợi, vựa hành tăm tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho năng suất cao, song giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Những ngày này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc những gốc đào với hy vọng cây sẽ bung nở vào đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.
Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung lấy nước vào ruộng, tỉa dặm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ để đảm sự sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, HTX Đoàn viên (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã phát triển đa ngành nghề để tạo ra các giá trị kinh tế và đóng góp vì cộng đồng xã hội.
Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Trong những ngày áp Tết, từ các triền đồi, ngả đường đến các phiên chợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều mọng đỏ màu cam bù - loại quả đặc sản, đậm dấu phong thổ địa phương…
Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.