Khôi phục bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, việc khôi phục lại bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã được bà con dân tộc ở đây cùng các cấp, ngành quan tâm, chú trọng.

Video: Ông Lê Văn Hòe dạy bản ngữ cho học sinh tiểu học là con em Lào Thưng.

Là những người lớn tuổi ở thôn Phú Lâm lại mang nhiều nỗi niềm hoài cổ nên những người như ông Lê Văn Hòe (tên Lào là Nai Hòe), Lê Văn Mạo (tên Lào là Nai Mạo), Nguyễn Tiến (tên Lào là Nai Tiến)... rất trăn trở khi ngôn ngữ của dân tộc mình đã bị mai một, chữ viết đã thất truyền.

Trong số 63 hộ với 227 khẩu là người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm hiện chỉ có 5 người lớn tuổi có thể giao tiếp được với nhau bằng tiếng Lào, còn lớp con cháu sau này chỉ biết được mấy từ bập bẹ...

Thực trạng này được ông Lê Văn Hòe lý giải: “Trải qua 5 đời sang Phú Lâm sinh sống nên người Lào Thưng chúng tôi dần quen với tiếng dân tộc Kinh. Mặt khác, còn có các lý do như: cuộc sống khó khăn nên chúng tôi mãi làm ăn, không chú ý đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc; một bộ phận không nhỏ sợ nói tiếng dân tộc sẽ bị người ngoài cười chê, con em lớn lên đi ra làm ăn chỉ sử dụng tiếng phổ thông, còn ngôn ngữ bản địa không được dùng nên dễ quên...”.

Khôi phục bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm

Ông Lê Văn Hòe tranh thủ thời gian nông nhàn để dạy tiếng của đồng bào mình cho thế hệ trẻ tại trường học (cụm bản Phú Lâm).

Trước thực trạng đó, 2 năm nay, ông Lê Văn Hòe đã cùng phối hợp với những người lớn tuổi trong bộ tộc, Đồn Biên phòng Phú Gia và thầy giáo Lê Hữu Tân (Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) để dạy tiếng bản ngữ cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh ở bậc tiểu học.

Việc truyền dạy chủ yếu được thực hiện trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, mỗi tháng có thêm 1 buổi học tập trung, bắt đầu bằng những từ đơn giản, gần gũi, dễ nhớ như: bố mẹ, anh em, ăn cơm, đi học, con trâu, con bò... nên đã có những chuyển biến tích cực.

Khôi phục bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm

Cả gia đình lẫn nhà trường đều luôn quan tâm đến việc truyền dạy, học tiếng dân tộc cho em Phan Văn Đạt cũng như các cháu nhỏ thuộc thế hệ thứ 5 của người Lào Thưng ở Phú Lâm.

Để tăng hiệu quả của việc truyền dạy, cứ mỗi lần sang Lào thăm thân, giỗ chạp, cưới xin, ma chay (trừ 2 năm trở lại đây vì dịch bệnh COVID-19), những người cao niên ở Phú Lâm đều đưa con cháu vượt 2 ngày đường rừng đi theo.

Qua bên đó, họ vừa lo công chuyện, vừa nhắc nhở, động viên các cháu để ý tìm hiểu, tiếp thu thêm những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của dân tộc mình, nhất là học thêm từ, thêm câu để về giao tiếp. Ngoài ra, trong sinh hoạt, hội họp, lễ tết, cúng đơm... ngoài tiếng Việt thì họ cũng đã sử dụng tiếng Lào nhiều hơn để con cháu nghe, hiểu, học.

Em Nguyễn Thị Khánh Băng – Học sinh lớp 4 chia sẻ: “Cháu thấy vui, tự hào khi được học tiếng nói Lào, được tìm hiểu về những tập tục của cha ông ngày xưa từ những người lớn tuổi trong thôn truyền dạy. Hiện nay, cháu đã thuộc hết những từ cơ bản để phản ánh sự vật, hiện tượng xung quanh và cháu sẽ tiếp tục học đọc, nói tiếng dân tộc mình cũng như các nét văn hóa riêng của cha ông để lại...”.

Khôi phục bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm

BĐBP và những người cao niên trong bản là các thầy giáo dạy bản ngữ cho các em học sinh tiểu học ở cụm trường Phú Lâm.

Cô giáo Bùi Thị Hồng Hoài - Giáo viên Trường Tiểu học Phú Gia (cụm trường Phú Lâm) cho biết: “Tôi cùng đồng nghiệp đang miệt mài ươm mầm con chữ, hướng con em đồng bào dân tộc Lào ở đây đến chân trời tri thức và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Ngoài chăm lo xây dựng trường lớp sạch đẹp, được hỗ trợ về dụng cụ học tập, áo quần kinh phí thì gần đây các em cũng đã được tạo điều kiện để học thêm bản ngữ nhằm gìn giữ nét đẹp đặc trưng riêng của dân tộc mình”.

Khôi phục bản ngữ cho người Lào Thưng ở thôn Phú Lâm

Con em đồng bào dân tộc Lào Thưng vui đến trường để học kiến thức và ngôn ngữ của đồng bào mình.

Thầy giáo Lê Hữu Tân - Chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) chia sẻ thêm: “Để bảo tồn, khôi phục và truyền dạy tiếng dân tộc Lào Thưng, tôi đã chủ động khảo sát, nghiên cứu, xây dựng bản phiên âm từ tiếng Lào sang tiếng Việt và tiến hành tổ chức thực hiện việc truyền dạy gần được 2 năm, cho kết quả khá tốt.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục bám địa bàn để vận động bà con tự truyền dạy, các em nhỏ tự học để khôi phục dần theo hướng từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, đồn biên phòng, các trường học để có các tiết học ngoài giờ, các câu lạc bộ để khôi phục và phát triển tiếng Lào".

Chủ đề ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast