Về Đồng Lộc nhé!

(Baohatinh.vn) - Đó là lời hò hẹn mà tôi nghe được từ các cựu thanh niên xung phong (TNXP), công nhân giao thông, cựu chiến binh…, đặc biệt là các đồng chí trong Tổng đội 55 TNXP từng trải qua những ngày ác liệt nhưng sôi nổi, tràn đầy quyết tâm nơi ngã ba trọng điểm ở Hà Tĩnh.

Nơi lưu dấu thời thanh niên sôi nổi

55 năm đã trôi qua, kể từ những ngày hè cao điểm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân dân Hà Tĩnh và cả nước đã kiên cường chống trả lại sự bắn phá hủy diệt của không quân Mỹ, đảm bảo đường thông xe chạy.

Về Đồng Lộc nhé!

Đồng Lộc sau năm 1968 trở thành điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

“Máu có thể chảy, tim có thể ngừng đập nhưng đường nhất định phải thông”, “Địch phá một thì ta làm mười”, đó là mệnh lệnh của trái tim. Hàng nghìn nam thanh, nữ tú thuộc các lực lượng bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, công an, dân quân… đã dốc hết sức lực, trí tuệ, nhiệt huyết của tuổi thanh niên để cho:

“Nghìn vạn chuyến xe đi

Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc

Máu qua tim máu lọc

Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam”

(Huy Cận)

Hơn nửa thế kỷ đi qua, nơi ngã ba bình yên hôm nay, dưới bầu trời xanh Can Lộc, những con đường đẹp như lụa trải ra giữa những tán cây xanh, bên Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, khu mộ 10 cô, cụm tượng 10 cô, bảo tàng… Trên núi Mũi Mác, đền thờ Đồng Lộc, tháp chuông Đồng Lộc sừng sững giữa rì rào thông reo và khói hương phảng phất.

Trong hàng vạn bước chân về đây, bước chân của các cựu TNXP càng thêm bồi hồi, tha thiết. Màu áo quân phục như tôn thêm niềm tự hào về mảnh đất một thời họ đã chiến đấu, đồng đội họ đã hy sinh. Bà Lê Thị Hồng là một trong 2 người của Tiểu đội 4 - C552 thời điểm ngày 24/7/1968 còn sống sót do đi lấy gỗ ở Quảng Bình, nay sống ở TP Vinh (Nghệ An); bà Nguyễn Thị Hường, người lưu giữ nhiều ký ức đẹp về Tiểu đội 4; bà Bùi Thị Tịnh, bà Nguyễn Thị Bé, ông Nguyễn Đình Cứ - những thành viên của A công binh phá bom Tổng đội TNXP 55... Với họ, chuyện Đồng Lộc như mới hôm qua, hôm kia đây thôi.

Về Đồng Lộc nhé!

Bà Lê Thị Hồng (từ trái sang) thuộc Tiểu đội 4 - C552 gặp lại các đồng đội tại Ngã ba Đồng Lộc.

Nước mắt tràn mi, họ chuyện trò, tâm sự với các đồng đội: Tần, Cúc, Hường, Xuân, Nhỏ, Hà, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, nhắc nhớ kỷ niệm một thời sôi nổi của tuổi trẻ. Bà Lê Thị Hồng nhiều lần kể: “Khi từ Quảng Bình trở về, đồng đội hy sinh hết, tôi dọn dẹp tư trang 10 cô để gửi về cho gia đình mà cứ khóc ròng. Vậy nên, cứ đến tháng 7 là tôi phải về Đồng Lộc cho bằng được. Thương lắm, nhớ lắm!”.

“Ta về Đồng Lộc nhé các bạn!”. Ông Nguyễn Thanh Bính (nhà thơ Yến Thanh), cán bộ kỹ thuật Ty Giao thông, Anh hùng La Thị Tám, Anh hùng Nguyễn Tri Ân, Anh hùng Uông Xuân Lý, Đại đội trưởng Đại đội thép 557 - Nguyễn Thị Lân và rất nhiều cựu binh từng chiến đấu nơi đây, những cựu lái xe từng đi qua nơi đây đều có chung lời hẹn ấy.

Những mái tóc đã pha sương, gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn. Họ hẹn nhau về thăm chiến trường cũ, thắp hương cho người đã hy sinh và cũng là dịp tao ngộ, cầm bàn tay nhau, truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội. Họ ngỡ ngàng trước những đổi thay ở Đồng Lộc hôm nay, thêm trân quý và tự hào về những tháng năm rực lửa.

Điểm hẹn của mọi lứa tuổi

Anh ơi (chị ơi, em ơi…), ta về Đồng Lộc nhé! Đó là lời nhắn nhủ, lời mời gọi, cũng là lời hẹn nhau trong các dịp lễ 8/3, 30/4, ngày 24/7, 27/7, ngày đầu năm mới, bắt đầu kỳ nghỉ hè… Cũng có những người không nói ra lời hẹn nhưng vẫn sắp xếp cho gia đình, bạn bè, người thân về Đồng Lộc. Họ là những người đã bước ra từ cuộc chiến, nhưng điều đáng nói là rất nhiều những người sinh ra sau chiến tranh, chỉ biết bom đạn khói lửa qua những trang sử. Tất cả đều hướng lòng về ngã ba huyền thoại.

Về Đồng Lộc nhé!

Bài ca trước mộ 10 cô. Ảnh Huy Tùng

Về Đồng Lộc là về với cội nguồn, về để tri ân, về để tìm lại niềm tin, nghị lực cho bản thân, cảm nhận giá trị lớn lao của tuổi thanh xuân; về soi mình trong những tấm gương chiến đấu, hy sinh, những mối tình trai gái, tình mẹ con của thời chiến đẹp hơn cổ tích; soi mình trong những giá trị vĩnh hằng của dân tộc, để biết bỏ qua những ham muốn nhỏ nhoi, những toan tính cá nhân hằng ngày, thêm trân quý giá trị hòa bình, tự do, sống và làm việc vì nghĩa lớn; về để thêm yêu những cánh rừng Trường Sơn, yêu quê hương Hà Tĩnh anh dũng, kiên cường, nhân văn và nghĩa tình đang ngày càng thay da đổi thịt.

Ngã ba Đồng Lộc từ lâu đã là điểm hẹn của mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi trẻ cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Trong những tháng cao điểm, không có dịch bệnh, mỗi ngày nơi đây đón hàng nghìn lượt khách. Tháng 7/2022, tôi đã gặp đoàn sinh viên tiêu biểu con em kiều bào ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về thăm Đồng Lộc (do Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức) và được chứng kiến các em ngồi say sưa xem phim tài liệu, nghiêm trang lắng nghe từng lời thuyết minh, cẩn trọng thắp từng nén hương, đặt từng bông hoa trên hàng bia mộ.

Về với Ngã ba Đồng Lộc, bên cạnh việc thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ, họ còn có cơ hội để hiểu thêm về vùng đất, con người Hà Tĩnh anh hùng trong chiến tranh, vươn lên lao động sản xuất trong thời bình, cởi mở, thân thiện với du khách.

Về Đồng Lộc nhé!

Niềm xúc động của một cựu chiến binh khi trở lại thăm đất lửa Đồng Lộc. Ảnh VnExprees

Nguyễn Khánh Linh - sinh viên The University of Melbourne (Australia) chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi trở về Việt Nam, đến Hà Tĩnh. Chuyến đi này giúp tôi có cơ hội mở rộng tầm mắt. Tôi tự hào vì mình là người Việt Nam. Đến Ngã ba Đồng Lộc, tôi vô cùng cảm động vì hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái mà lúc đó cũng trạc tuổi tôi bây giờ”.

Chọn con đường về Đồng Lộc trong 25 năm qua, điều mà tôi nhận ra là mỗi năm, bước chân mình lại hòa nhịp nhiều hơn với hàng nghìn, hàng vạn bước chân của người dân cả nước. Tôi đặc biệt ấn tượng với những cháu nhỏ được bố mẹ bồng bế, dắt tay về thăm Đồng Lộc.

Về Đồng Lộc nhé!

Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc là nơi giáo dục lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh Huy Tùng

Vào những ngày lễ, tết hay ngày giỗ mười cô hoặc ngày 27/7, màu áo tươi trẻ rực rỡ của các cháu thiếu nhi, màu xanh của áo Đoàn cùng hòa vào màu quân phục cựu chiến binh, cựu TNXP; những gương mặt trẻ trung đầy sức sống hòa vào gương mặt sạm màu sương gió làm cho không gian Đồng Lộc thêm đa sắc.

Điều đó gợi cho tôi về những giá trị bất tử của Đồng Lộc; như dãy Trọ Voi ngút ngàn thông xanh ru giấc ngủ vĩnh hằng của các liệt sỹ; như màu trời xanh trong muôn thuở yên bình; như tượng đài mãi cao vút thiên thanh; như cỏ cây, chim muông, nắng gió ngời ngời của đất trời nước Việt…

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.