Toàn cảnh Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Ảnh: Đình Nhất.
Nơi ấy, ký ức hào hùng
Những ngày tháng 7, nhất là dịp cận kề kỷ niệm ngày Chiến thắng Đồng Lộc và ngày giỗ của 10 nữ liệt sỹ TNXP 24/7 (1968-2022), mỗi người dân Hà Tĩnh nói riêng và khắp cả nước lại bồi hồi hướng về Ngã ba Đồng Lộc với niềm thành kính tri ân. Bởi nơi đây, giữa những ngày tháng chiến tranh ác liệt, dưới làn “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù đã ghi dấu những ký ức hào hùng về lòng quả cảm, gan dạ và sự hy sinh anh dũng trong chiến đấu chống lại kẻ thù của bao người con nước Việt.
Mỗi dịp tháng 7, những bước chân của du khách muôn phương lại về với Ngã ba Đồng Lộc.
Theo tư liệu lịch sử, từ cuối tháng 4/1965, không quân Mỹ tập trung bắn phá các huyết mạch giao thông, quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua đường 15A. Ngã ba Đồng Lộc, trọng điểm của tuyến đường này trở thành điểm đánh phá ác liệt của địch.
Hố bom - chứng tích về sự tàn khốc trên cung đường Ngã ba Đồng Lộc năm xưa.
Từ tháng 4/1965 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã tập trung mọi phương tiện chiến đấu đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại dội xuống, bình quân trên 1 m2 đất hứng chịu ít nhất 3 quả bom. Dù vậy, với ý chí kiên cường, hàng vạn người, đủ các lực lượng, như bộ đội pháo binh, TNXP, công nhân giao thông, dân công, lái xe, cảnh sát giao thông… vẫn ngày đêm bám trụ nơi “chảo lửa”, quyết tâm làm nhiệm vụ phá bom, làm đường cho những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến.
Những nữ TNXP lấp hố bom làm đường cho xe ra tiền tuyến tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Tư liệu
Vào khoảng 16h ngày 24/7/1968, giặc Mỹ bất ngờ ném bom xuống Ngã ba Đồng Lộc khiến 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 (Tổng đội TNXP Hà Tĩnh) đang làm nhiệm vụ hy sinh. Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP tuổi đời mười tám, đôi mươi đã khiến cả thế giới xúc động, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, của khát vọng hòa bình.
Cũng tại ngã ba anh hùng này, 495 liệt sỹ thuộc các lực lượng bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe đã anh dũng hy sinh, gửi lại tuổi thanh xuân cho con đường huyết mạch để những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Nẻo về tri ân…
Biết tôi có chuyến đi công tác tại Đồng Lộc, vợ tôi đã thức dậy từ sáng sớm sửa soạn mâm quả để dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đó cũng là tâm tình chung của đông đảo người dân trong những ngày tháng 7.
Ảnh từ trái qua, trên xuống: Những vòng hoa tri ân, tưởng nhớ tại Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc; du khách và nhân viên BQL khu di tích chuẩn bị lễ vật dâng lên khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc; các đoàn khách dâng hương trước khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP.
Gần 7h sáng, vượt qua quãng đường 15 km, chúng tôi đã có mặt tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Dù còn khá sớm, những dòng người khắp mọi miền đất nước đã có mặt trên lối về huyền thoại.
Đoàn cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 283 dâng hương tại khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh.
Trước Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc và khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP, từng dòng người xếp hàng vào thăm viếng. Trong khói hương trầm mặc, tôi nhìn lên bàn thờ các anh linh liệt sỹ, ở đó những vòng hoa ghi rõ các đoàn đến từ: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu… và những lễ vật từ khắp mọi miền được kính cẩn dâng lên.
Du khách viếng mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Sau 54 năm (1968 - 2022), người lính già từng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm xưa về thăm lại “những người em gái tiền phương” Ngã ba Đồng Lộc năm nào, đôi mắt ông vẫn rưng rưng, ngấn lệ.
Ông Hoàng Văn Ngọ (74 tuổi, TP Hải Phòng) cho biết: “Như thường lệ, mỗi dịp tháng 7, chúng tôi lại về thăm chiến trường xưa để tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày hành quân vào Nam qua tuyến đường “lửa” Ngã ba Đồng Lộc những năm chống Mỹ. Với những người lính lúc bấy giờ, các cô như những người em gái tiền phương, nên khi nghe tin 10 cô hy sinh, chúng tôi rất đau thương nhưng đó cũng chính là động lực để mỗi người thêm sức mạnh đánh thắng kẻ thù”.
Trở về chiến trường xưa, người lính già Hoàng Văn Ngọ (TP Hải Phòng) rưng rưng khi nhắc về sự hy sinh của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Trong dòng người khắp mọi miền về Đồng Lộc hôm nay, mỗi người dẫu bày tỏ theo cách của mình nhưng đều chung một tấm lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương - giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương cho biết: “Qua câu chuyện của người bố là thương binh từng hành quân qua Đồng Lộc những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, tôi đã dành niềm ngưỡng mộ và biết ơn từ lâu đối với các cô nhưng đây là lần đầu tiên tôi có điều kiện trở về thăm Ngã ba Đồng Lộc. Về đây, được nghe câu chuyện về 10 nữ liệt sỹ TNXP và chứng kiến nơi các cô ngã xuống, lòng tôi không nguôi cảm xúc nghẹn ngào. Sau chuyến đi này, tôi thấy mình sẽ càng phải có trách nhiệm mang những câu chuyện về Đồng Lộc để kể cho những học sinh của mình”.
Một du khách lặng mình bên tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” trong khuôn viên Khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP.
Về Đồng Lộc, không chỉ có người già, cựu binh, giáo viên mà còn có những em nhỏ theo bố mẹ, những ĐVTN khắp mọi miền. “Đi để luôn nhớ, để không cho phép mình quên và để các bạn ĐVTN thêm lòng tự hào về lịch sử, từ đó không ngừng rèn luyện cống hiến cho quê hương, đất nước” - chị Trần Thị Hồng Nhung (Bí thư Đoàn xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) bày tỏ.
ĐVTN xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) tham quan hố bom, nơi 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc ngã xuống trưa 24/7/1968.
Trong khói hương trầm mặc, những bước chân trở về tri ân như lặng lẽ hơn. Trời Đồng Lộc vẫn xanh màu hy vọng, cỏ cây Đồng Lộc vươn mình tỏa bóng hiền hòa giữa những câu chuyện vui buồn. Và chúng tôi, những thế hệ lớn lên trong thời bình càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong hành trình vươn tới của quê hương, đất nước.