Trong làn sóng đại dịch COVID gần đây, đã xuất hiện các trường hợp tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19, nhưng vẫn mắc bệnh COVID-19 qua báo cáo trên các nguồn thông tin chính thống trong và ngoài nước. Rõ ràng, nếu không nắm được cốt lõi của vấn đề, chúng ta dễ hoang mang và nghi ngờ vào hiệu quả của vắc xin.
Không có vắc xin nào bảo vệ 100%
Với vắc xin Pfizer-BioNTech, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học uy tín The New England Journal of Medicine mới gần đây cho thấy, khả năng phòng bệnh chỉ có từ ngày thứ 12 sau mũi tiêm đầu tiên và đạt hiệu quả 52% trong vài tuần sau đó. Một tuần sau khi tiêm vắc xin mũi thứ hai, hiệu quả đạt 95%.
Theo nghiên cứu tiêm vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng 81%. Trong đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin Moderna, báo cáo tỷ lệ bảo vệ là 51% hai tuần sau lần chủng ngừa đầu tiên và 94% hai tuần sau liều tiêm thứ hai.
Như vậy, tỷ lệ bảo vệ của các vắc xin vừa nêu trên đều không đạt 100% và có lẽ các sản phẩm vắc xin tương lai cũng không phải là ngoại lệ. Có nghĩa là, vẫn có một tỷ lệ nhất định người đã được tiêm vắc xin vẫn có thể bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc COVID-19.
Đến nay, không vaccine COVID nào có tác dụng bảo vệ khỏi mắc bệnh COVID đạt 100%.
Cần thời gian để tạo miễn dịch đầy đủ
Vấn đề thời điểm nào cơ thể tạo miễn dịch một cách đầy đủ sau khi tiêm vắc xin COVID vẫn chưa có thống nhất trong các nghiên cứu, và còn tùy thuộc vào các loại vắc xin cụ thể. Có nghĩa là, phải cần có thời gian để cơ thể nhận diện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, cơ thể sẽ huy động hệ thống miễn dịch đáp ứng lại kháng nguyên và tạo ra lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể.
Như vậy, nếu vừa mới tiêm xong liều thứ hai vắc xin COVID-19 thì chưa đủ thời gian để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ, vì vậy vẫn có thể phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc COVID-19.
Đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc xin là khác nhau
Đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với vắc xin COVID-19 khác nhau ở từng cá thể nhất định, và kết quả tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể cao thấp khác nhau. Người có tỷ lệ miễn dịch càng cao đối với virus SARS-CoV-2, khả năng mắc bệnh COVID-19 sẽ càng thấp.
Khi già đi, miễn dịch cơ thể xuống dốc, chắc chắn đáp ứng miễn dịch có khuynh hướng giảm đối với kháng nguyên có từ vắc xin COVID-19 khi tiêm vào. Và kết quả tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể sẽ thấp hơn so với người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch hoàn thiện hơn.
Các biến chủng mới làm đáp ứng miễn dịch kiểm soát không hiệu quả
Các biến chủng mới (như biến chủng Anh và Ấn Độ) làm đáp ứng miễn dịch kiểm soát không hiệu quả.
Việc xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như biến chủng Anh và Ấn Độ làm chúng có thể thoát khỏi tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể, vốn đã hình thành sau khi tiêm vắc xin COVID-19 để đáp ứng chống trả lại một chủng cụ thể khác của virus SARS-CoV-2.
Điều này hay thấy ở các virus khác, Ví dụ: Hằng năm, mặc dù đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa cúm, nhưng có thể bạn sẽ phơi nhiễm týp khác của virus cúm nằm ngoài tầm kiểm soát đáp ứng miễn dịch do vắc xin cúm đã chủng ngừa trước đó, kết quả vẫn mắc bệnh cúm với týp virus cúm khác.
Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm theo cơ chế nào, ngay khi đã được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19?
Nghiên cứu đã cho thấy, người đã tiêm đầy đủ vắc xin ít có khả năng phát triển các triệu chứng so với khi chưa tiêm chủng. Nhưng hệ thống miễn dịch có thể không khống chế virus hoàn toàn, vẫn có một số virus SARS-CoV-2 tồn tại và sinh sản và bị tống xuất ra khỏi mũi hoặc miệng qua hơi thở, ho hoặc hắt hơi. Rõ ràng giả thuyết vừa nêu không dễ loại bỏ, không ai có thể chắc chắn điều này có thực sự xảy ra hay không hoặc nếu nó xảy ra thường xuyên vẫn có thể làm phát tán virus hoạt động để gây bệnh cho người khác.
Tóm lại, mục đích cốt lõi của tiêm vắc xin COVID-19 là: vắc xin không ngăn chặn 100% lây nhiễm bệnh COVID-19, nhưng sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sau khi tiêm đầy đủ. Nếu không may mắc bệnh, có thể sẽ không triệu chứng hoặc nhẹ và ít diễn biến nặng, dẫn đến giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Vắc xin COVID-19 giúp giảm nguy cơ lây nhiễm sau khi tiêm đầy đủ. Nếu không may mắc bệnh, có thể sẽ không triệu chứng hoặc nhẹ.