Việt Nam sẽ sớm có vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả

Nano Covax là vaccine đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người và đến tháng 9/2021 Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước.

Việt Nam sẽ sớm có vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả

Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 giai đoạn hai cho tình nguyện viên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học, an toàn, nhằm mục tiêu sớm có vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả cho người dân Việt Nam.

Thông tin trên do Trung tướng, Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đưa ra vào sáng 26/3, tại buổi tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi hai giai đoạn hai vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, đến thăm lực lượng tham gia nghiên cứu vaccine, các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên nhóm tình nguyện viên và lực lượng y tế nghiên cứu vaccine, bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ khoa học tham gia phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam; tiến tới về lâu dài người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương là tất cả các cơ quan, lực lượng sẽ thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước theo đúng quy trình, quy chuẩn, “khẩn trương, rút ngắn thời gian, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.”

Liên quan đến thông tin tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax, Trung tướng, Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Quyết , Giám đốc Học viên Quân y, cho biết giai đoạn một là thử nghiệm an toàn, tạo ra kháng thể và khả năng trung hòa virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (BN117). Giai đoạn hai là thử nghiệm vaccine với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn một (tiêm chủng cho 560 tình nguyện viên), tiếp tục thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đó. Dự kiến, đến cuối tháng 4/2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thử nghiệm thứ hai của giai đoạn hai.

Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Quyết cho biết do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine Nano Covax nhưng vẫn đảm bảo an toàn, đánh giá khoa học, chính xác tính sinh miễn dịch của vaccine. Với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng Sáu, đầu tháng 7/2021 các nhà khoa học có thể trình lên Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia để thông qua giai đoạn ba và có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn.

Cũng theo Giám đốc Học viên Quân y, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, điều quan trọng nhất là phải đánh giá được hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh trong môi trường có thể có lây nhiễm trong cộng đồng.

Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Quyết cho biết trong giai đoạn ba tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax, các nhà khoa học chỉ cần thử nghiệm trên cơ thể của 10.000 người, trong đó 5.000 người được tiêm vaccine AstraZeneca và 5.000 người được tiêm vaccine Nano Covax.

“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để so sánh về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn, hiệu quả sinh kháng thể và hiệu quả diệt virus," Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Quyết cho biết. Ông tin tưởng rằng với phương pháp này, đến tháng 9/2021 Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước.

Việt Nam sẽ sớm có vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến thăm, động viên nghiên cứu viên, tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 giai đoạn hai tại Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thông tin trước đó, Nano Covax là vaccine đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người, do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu. Trong giai đoạn hai tiêm thử nghiệm có 560 tình nguyện viên tham gia, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1..., nghĩa là bệnh không quá nặng.

Các tình nguyện viên được chia thành bốn nhóm, trong đó 80 người được tiêm “giả dược” (không phải vaccine); các tình nguyện viên còn lại được chia thành ba nhóm với các liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên ở lứa tuổi trên 60, người cao tuổi nhất là 76 tuổi.

Đợt tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn hai được tổ chức tại hai điểm cầu là Học viện Quân y (Hà Nội) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Theo TTXVN/Vietnam+

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.