Chiều 11/5, UBND huyện Vũ Quang tổ chức hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ hè thu năm 2022; tổng kết công tác nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.
Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2022, huyện Vũ Quang phấn đấu gieo cấy 371 ha lúa, gieo trỉa 285 ha các giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi và 200 ha đậu xanh các loại.
Về chăn nuôi, phấn đấu phát triển chăn nuôi đảm bảo số lượng, chất lượng, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2022; triển khai mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học đối với các hộ xây dựng vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái, làng sinh thái, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND xã Hương Minh Đoàn Ngọc Lương: Mô hình thí điểm trồng lúa hữu cơ DT39 diện tích hơn 1.000m2 tại thôn Hợp Lợi bước đầu cho thấy khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao (ước đạt 3 tạ/ha). Vụ hè thu tới, địa phương sẽ khảo sát, nhân rộng mô hình để nâng cao năng suất.
Để vụ hè thu giành thắng lợi toàn diện, huyện Vũ Quang đề nghị các địa phương thực hiện có hiệu quả đề án sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh ra quân làm giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khơi thông các trục tiêu úng, sữa chữa các hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, đảm bảo nguồn nước tưới; củng cố hoàn thiện bờ vùng, bờ thửa trước khi bước vào sản xuất.
Phấn đấu gieo cấy kết thúc trước ngày 5 - 10/6 để lúa trổ tập trung vào tiết lập thu từ ngày 5 - 10/8, kết thúc thu hoạch trước ngày 10/9. Đặc biệt, trước diễn biến của thời tiết, các địa phương cần ưu tiên bố trí các loại giống ngắn ngày để đảm bảo năng suất.
Huyện cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn hộ theo hướng vườn mẫu, phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng xây dựng sản phẩm OCOP. Chủ động phương án chống hạn, quan trọng nhất là phải tiết kiệm nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.
Hội nghị cũng tập trung đánh giá công tác PCTT-TKCN năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Theo đó, trong năm 2021, tình hình thiên tai trên địa bàn diễn biến phức tạp. Đợt mưa lớn từ đêm ngày 28/4 đến rạng sáng ngày 29/4/2021 gây ngập cục bộ một số tuyến giao thông và thiệt hại hoàn toàn 75 ha lúa vụ xuân; đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 từ ngày 12 - 13/6/2021 gây mưa lớn, ngập úng, thiệt hại 88 ha lúa hè thu mới xuống giống và 10 ha đậu.
Chủ tịch UBND xã Đức Bồng Nguyễn Ngọc Hoán: Huyện cần hỗ trợ địa phương một số loa cầm tay, thuyền cứu hộ cỡ nhỏ để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.
Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và không khí lạnh, kết hợp với rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới xảy ra từ ngày 15 - 18/10/2021 gây ngập lụt cục bộ tại các địa phương như: Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Liên...; một số cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị sạt lở và hư hỏng nặng.
Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Hùng Cường: Rất mong huyện quan tâm sửa chữa, nâng cấp các van đóng mở ở một số hồ, đập trên địa bàn; có phương án xử lí điểm sạt lở trên tuyến đường trục xã, đoạn qua thôn 3.
Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, huyện Vũ Quang đã tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng của các hồ, đập. Địa phương cũng tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi, hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Huyện chỉ đạo các địa phương quán triệt, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu mạnh; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang dở dang.
Tình hình thiên tai, thời tiết ngày càng có nhiều bất thường, do đó, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan; luôn trong tâm thế chủ động ứng phó thiên tai, tập trung sản xuất, đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.
Các phòng, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi thuộc chức năng quản lý của ngành; có kế hoạch gia cố, tu sửa trước mùa mưa lũ.
Đối với các công trình thủy lợi đang thi công, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ; chỉ đạo rà soát, xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành các hồ chứa nước theo thời gian thực.
Các địa phương, đơn vị, lực lượng cần tổ chức rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra ngập lũ sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời dân trong trường hợp khẩn cấp để chủ động liên lạc, thông tin cảnh báo và ứng cứu kịp thời.