Người dân thôn 1, xã Hương Minh (Vũ Quang) thu hoạch keo chuẩn bị chở đi bán băm dăm
Huyện Vũ Quang có 14.404 ha rừng sản xuất, trong đó, gần 12.000 ha do huyện và xã quản lý, còn lại của các chủ rừng đóng trên địa bàn. Hiện, toàn huyện đang có 3.198 hộ trồng với 5.019 ha keo, trong đó có 316 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 50 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 15.800 tấn, mang về nguồn thu gần 16 tỷ đồng/năm...
Nhà máy gỗ MDF (xã Sơn Thọ) đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây lắp để cuối năm nay hoàn thành. Đây được xem là "chìa khóa" để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn Vũ Quang và các vùng phụ cận...
Theo đánh giá, mặc dù có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, nhân lực nhưng hiệu quả trồng rừng nguyên liệu ở Vũ Quang chưa cao, hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp còn thấp. Nguyên nhân là do, rừng sản xuất chủ yếu được trồng tự phát, chưa có quy hoạch, không được chăm sóc cẩn thận, chưa áp dụng KHKT vào sản xuất. Phần lớn rừng keo được trồng ở những vùng đồi núi cao, độ dốc lớn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tạm bợ, khó khăn trong tổ chức sản xuất, vận chuyển..
Người dân thôn 1, xã Hương Thọ (Vũ Quang) chủ động sản xuất giống keo phục vụ sản xuất
Do đó, Vũ Quang đang có kế hoạch phát triển trồng rừng sản xuất trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp, sớm hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản xuất rừng trồng, tăng cường sự liên kết theo chuỗi trong các khâu.
Theo kế hoạch, kể từ năm 2025, toàn huyện sẽ ổn định diện tích nguyên liệu rừng trồng là 5.505 ha, trong đó, hàng năm có 485 ha cho sản phẩm, sản lượng đạt 48.500 tấn, mang về nguồn thu gần 49 tỷ đồng (tính cả giai đoạn 2018-2025 đạt gần 391 tỷ đồng). Ngoài ra, trên địa bàn sẽ tiến hành thành lập 20 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã lâm nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...