Vũ Quang "hồi sức" gần 750 ha cam, chanh ảnh hưởng bão

(Baohatinh.vn) - Vũ Quang (Hà Tĩnh) có 746 ha/2.833 ha cây ăn quả có múi bị ảnh hưởng do bão số 10 vừa qua. Ngay sau bão, huyện đã tập trung khôi phục các diện tích cây ăn quả bị hư hại...

Cũng như nhiều hộ làm vườn khác, những ngày này, gia đình anh Lê Ngọc Lâm (thôn 6, xã Đức Bồng) đang tập trung cao độ để chăm sóc vườn cam hơn 3 ha bị ảnh hưởng bão số 10. Theo phản ánh của anh, ngay tại thời điểm bão đổ bộ, vườn cam bị tác động không lớn, tỷ lệ quả bị rơi rụng do gió bão, chỉ từ 3-5%.

vu quang hoi suc gan 750 ha cam chanh anh huong bao

Anh Lê Ngọc Lâm ở thôn 6, xã Đức Bồng kiểm tra, chăm sóc những gốc cam bị ảnh hưởng do mưa bão.

Tuy nhiên, do trong mấy ngày trước khi bão đến đã xẩy ra mưa nhiều, sau bão, thời tiết lại nắng gắt nên vườn cam bị ảnh hưởng nhiều hơn, quả tiếp tục bị rụng. Để giảm thiểu thiệt hại, anh và các thành viên trong gia đình đang tranh thủ tối đa thời gian trong ngày để thu gom, cắt tỉa cành, thu dọn quả rụng, loại bỏ quả có nguy cơ hỏng, làm sạch gốc, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và chống đỡ thân cây...

Theo thống kê, trong cơn bão số 10 vừa qua, huyện Vũ Quang đã có 746 ha/2.833 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, chủ yếu là cam và chanh, trong đó, diện tích cam đang ở giai đoạn cho thu hoạch bị thiệt hại dưới 15% tỷ lệ quả là 150 ha, số còn lại chưa cho thu hoạch bị xiêu vẹo, gãy cành. Các địa phương bị thiệt hại nhiều là Đức Lĩnh 50 ha, Sơn Thọ 30 ha, Hương Minh 20 ha... Còn các xã có diện tích cây chưa cho quả bị ảnh hưởng nhiều gồm: Đức Lĩnh 190 ha, Đức Bồng 73 ha, Sơn Thọ 65 ha, Hương Thọ 60 ha, Đức Liên 40 ha...

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn và chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình tại vườn hộ, động viên và hướng dẫn bà con tập trung khắc phục thiệt hại, chăm sóc vườn cây, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập từ cây ăn quả.

Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Những ngày này, chính quyền địa phương và bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, khẩn trương thu gom, cắt tỉa các cành, quả bị gãy, rụng, xới xáo, làm sạch gốc nhằm tránh bị ngập úng. Đối với những cây bị gió làm long gốc, nghiêng đổ thì dùng tre, gỗ để chống đỡ giúp cây sớm phục hồi bộ rễ. Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng vào cuối vụ và tuyệt đối không để tổn thương kéo dài sang vụ sau, bà con nông dân đang kết hợp kinh nghiệm xử lý tác động thiên tai với ứng dụng các tiến bộ KHKT”.

Để hỗ trợ người dân chăm sóc, khôi phục cây ăn quả đúng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả, các phòng, ngành chức năng trên địa bàn đã vào cuộc kịp thời. Ông Võ Quốc Hội - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết: “Bên cạnh ban hành văn bản hướng dẫn phòng trừ bệnh, thì chúng tôi đã tham mưu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi.

Theo đó, những diện tích bị ảnh hưởng bởi mưa bão, chúng tôi đã yêu cầu có biện pháp thoát nước nhanh trong vườn để giúp cây có bộ rễ thông thoáng; cắt tỉa cành lá bị xơ tước do cọ xát, loại bỏ những cành bị tổn thương nặng và quả bị dập nát; những cây bị đổ ngã thì khơi đất làm lỏng rễ, cắt bớt cành lá, dựng lại rồi dùng cọc chống đỡ và sử dụng màng che chống nắng; tiến hành thu dọn toàn bộ vườn đồi và dùng cuốc xới xáo mặt đất xung quanh vùng tán cây; khuyến cáo không được dùng đạm, phân kali trong quá trình cây chưa phục hồi... Nhìn chung, người làm vườn đang thực hiện tốt các biện pháp khôi phục theo hướng dẫn”.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.