Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tiếng còi hiệu hú lên, chiếc xe cứu thương vội vã lao đi trong cuộc đua giành lại sinh mạng bệnh nhân từ tay tử thần. Trên những chuyến xe ấy chứa đựng biết bao vui buồn chuyện nghề của những người luôn giữ bản lĩnh “thép” và tấm lòng từ mẫu.

Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Anh Tài đã gắn bó với chiếc xe cứu thương được 8 năm

“Sau lưng là mạng sống của bệnh nhân, phía trước tay lái là mạng sống của bản thân và đồng nghiệp, người nhà bệnh nhân, những chuyến xe cấp cứu luôn đi kèm với căng thẳng, áp lực đè nặng lên tài xế”, lái xe cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Anh Tài chia sẻ.

Gắn bó với nghề tới nay đã 8 năm, mỗi chuyến xe của anh vẫn luôn trách nhiệm và chu đáo. Anh cho biết, trong tình huống khẩn cấp, lái xe cần tập trung cao độ, nhanh nhưng đảm bảo an toàn, kịp thời cấp cứu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như gãy xương, chấn thương sọ não… thì phải đều ga, êm ái, tránh dằn xóc để không ảnh hưởng tới bệnh nhân. Bên cạnh đó, lái xe còn là người hỗ trợ một phần cho điều dưỡng trong xử lý các tình huống khẩn cấp trên xe.

Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

Anh luôn bảo dưỡng chiếc xe chu đáo, cẩn thận để có thể đảm bảo vận hành trơn tru

Với những điều dưỡng một mình phụ trách “bệnh viện di động” trên những chuyến xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, áp lực công việc hết sức nặng nề. Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Thị Lệ Xuân (SN 1977) chia sẻ: “Khi điều trị ở bệnh viện, bệnh nhân được đội ngũ y, bác sĩ theo dõi, thiết bị máy móc đầy đủ, nhưng lúc trên xe cấp cứu, việc xử lý tình huống đặt cả lên vai điều dưỡng và lái xe. Bởi vậy, mỗi lúc chuẩn bị cho một chuyến đi, không có cách nào là mình phải luôn trong tư thế sẵn sàng "chiến đấu”.

Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

Áp lực cũng đè nặng lên đội ngũ điều dưỡng trong mỗi chuyến cấp cứu

Gắn bó với nghề đã 20 năm trời, chị Xuân là một trong những điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm trên những chuyến xe cấp cứu. Chị cho biết, không chỉ tài xế mới cần có thần kinh thép, mà người điều dưỡng cũng phải luôn giữ được tâm lý bình tĩnh. Đồng thời, phải nhạy bén, chuyên môn vững để có thể kịp thời nắm bắt, xử lý những tình huống bất trắc xảy ra trong quá trình di chuyển, bởi theo chị, cả nghìn ca cấp cứu không có ca nào là giống nhau.

Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

Điều dưỡng Trần Thị Lệ Xuân chăm sóc trẻ sơ sinh

Chị Xuân cho rằng, vất vả và phức tạp nhất là cấp cứu trẻ sơ sinh, trẻ thiếu tháng. Người lớn đã có sức khỏe, đề kháng, còn trẻ sơ sinh chỉ cần thiếu oxi 15 giây đã ảnh hưởng tới não.

"Không ít lần tôi tham gia trên xe cấp cứu cho những em bé sinh non chỉ nặng 6-8 lạng. Suốt cả hành trình ra trung ương, tôi phải ôm bé sát người để giữ ấm, một tay bóp bóng thở đều đặn. Lúc tới nơi thì đau mỏi, cứng đơ cả người. Chúng tôi thậm chí không dám uống nước, vì sợ việc dừng đi vệ sinh sẽ gây mất thời gian”- chị Xuân kể

Bên cạnh đó, điều dưỡng còn là người tạo tâm lý ổn định trên những chuyến xe đầy nỗi lo âu, căng thẳng. Người điều dưỡng phải nhẹ nhàng, hiểu tâm lý người nhà để thường xuyên động viên họ cố gắng giữ vững tinh thần. Đồng thời, giải thích cặn kẽ từng giai đoạn, diễn biến của bệnh nhân với người nhà. Khi người nhà yên tâm và có sự phối hợp thì điều dưỡng và lái xe mới có thể tập trung cho công việc.

Không chỉ áp lực thời gian trên mỗi chuyến xe, đặc thù công việc khiến đội ngũ lái xe và điều dưỡng trực cấp cứu phải chấp nhận nhiều nỗi thiệt thòi. Bữa cơm bỏ dở để theo kịp xe hay giấc ngủ chưa tròn phải lên đường lúc nửa đêm đã trở thành chuyện bình thường. Khi có lệnh khẩn, chưa đầy 5 phút sau xe đã xuất phát.

Vui buồn những người làm nghề trên các “bệnh viện di động” ở Hà Tĩnh

Công việc đặc thù khiến đội ngũ lái xe và điều dưỡng luôn phải trong tư thế sẵn sàng

Gắn bó với những chiếc xe 115, người lái xe, điều dưỡng không có khái niệm chủ động sắp xếp ngày cuối tuần hay lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ. Thời gian dành cho gia đình, với họ, không mấy khi được trọn vẹn.

Là lái xe cấp cứu với thâm niên hơn 10 năm của BVĐK thị xã Kỳ Anh, anh Lê Quang Huy chia sẻ: “BVĐK thị xã ở xa trung tâm, lượng bệnh nhân lại rất đông nên công việc chúng tôi cũng tất bật hơn. Tết nguyên đán vừa qua, riêng từ đêm 30 tới ngày mùng 1 đã 12 chuyến xe. Vậy nên, dù có 3 lái xe nhưng chẳng ai dám lơ là, tất cả đều phải gác tết sang một bên, luôn sẵn sàng túc trực để đáp ứng yêu cầu công việc.”

Vất vả, gian nan là vậy, nhưng họ vẫn luôn tâm huyết với nghề. Những chuyến xe cấp cứu vẫn miệt mài trên cung đường chạy đua với tử thần, đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống.

Và mỗi lần giành chiến thắng sau hành trình cam go cấp cứu cho bệnh nhân, những người lái xe, điều dưỡng lại có thể thở phào nhẹ nhõm, để rồi lại lên dây cót sẵn sàng cho những chuyến đi mới với tình yêu, sự gắn bó sâu nặng với nghề.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm