Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 1 học kỳ thực hiện, việc xây dựng môi trường hạnh phúc ở bậc mầm non Hà Tĩnh đã lan tỏa ở các địa phương bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế, qua đó, tạo môi trường học tập lý tưởng cho trẻ.

Mỗi ngày đến trường của học sinh Trường Mầm non Sơn Lộc (Can Lộc) được bắt đầu bằng tràng vỗ tay thân thiện hoặc vòng ôm ấm áp của các cô giáo. Tình yêu thương, sự gần gũi đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn khi đến trường.

Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

Môi trường hạnh phúc ở Trường mầm non Sơn Lộc (Can Lộc) là tình thương mến giữa cô, trò, đồng nghiệp...

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu - giáo viên lớp 5 tuổi A cho biết: “Việc tạo môi trường thân thiện trong lớp học qua thái độ ứng xử của giáo viên đối với học sinh, của trẻ với nhau đã tạo nên một sự gắn kết, yêu thương trong lớp. Giáo viên gần gũi, chăm sóc học sinh, các cháu yêu mến, vâng lời cô dạy bảo… là cách mà chúng tôi cụ thể hóa và lan tỏa phong trào xây dựng trường học hạnh phúc theo tinh thần chỉ đạo của ngành”.

Với Trường Mầm non Sơn Lộc, xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng môi trường yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên, với ban giám hiệu và các bậc phụ huynh. Cùng đó là những nỗ lực trong việc tập trung xây môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, thân thiện và an toàn. Nhờ thế, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập vui chơi của trẻ. Hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cũng được thực hiện theo các chủ đề, chủ điểm hằng tháng, giúp trẻ phát triển và rèn luyện các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi.

Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

Cơ sở vật chất Trường Mầm non Sơn Lộc được đầu tư đồng bộ, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Mong muốn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi học sinh cũng là mục tiêu của cán bộ, giáo viên Trường Mầm non 2 Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất.

Từ việc huy động các nguồn lực đầu tư, từ công sức lao động của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, các góc trải nghiệm để tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được hình thành, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu dạy học.

Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

Trường Mầm non 2 Tân Lâm Hương (Thạch Hà) tăng cường xây dựng các góc trải nghiệm giúp trẻ phát triển kỹ năng.

Cô Trần Thị Hoa Lý - Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Tân Lâm Hương chia sẻ: “Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, hoàn thiện hệ thống bảng biểu, xây dựng các góc thân thiện, góc trải nghiệm để lồng ghép các hoạt động học mà chơi - chơi mà học, giúp học sinh phát triển kỹ năng. Theo đó, các hoạt động vui chơi cho trẻ như phát triển các năng khiếu, các hoạt động ngoài trời đã được tăng cường, tạo không khí thoải mái, thân thiện, giúp trẻ phát triển các kỹ năng tự học, làm việc nhóm, kỹ năng tự phục vụ của trẻ”.

Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

Không gian thân thiện ở Trường Mầm non 2 Tân Lâm Hương.

Khởi đầu sớm hơn so với các địa bàn trong tỉnh (từ năm học 2020 - 2021), phong trào xây dựng trường học hạnh phúc đã lan tỏa và trở thành mục tiêu lớn của các trường trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Đó cũng là trách nhiệm, là động lực để mỗi cán bộ, giáo viên vùng trung tâm đô thị không ngừng cố gắng thực hiện tốt trọng trách của mình.

Cô Võ Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Hạ chia sẻ: “Với chúng tôi, việc xây dựng môi trường hạnh phúc không chỉ dừng lại ở cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn mà trường còn chú trọng không gian vui chơi phù hợp với lứa tuổi; là nguồn thực phẩm cho trẻ được lựa chọn, đảm bảo an toàn vệ sinh… Và điều quan trọng nhất là trong môi trường này, trẻ cảm nhận được sự yêu thương, được đối xử công bằng, có cảm giác an toàn và được tôn trọng”.

Xây dựng môi trường hạnh phúc cho học sinh mầm non Hà Tĩnh

Góc cầu thang cũng trở thành nơi trải nghiệm cho học sinh Trường Mầm non Thạch Hạ.

Nỗ lực của các nhà trường và giáo viên trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc đã góp phần làm thay đổi diện mạo bậc học mầm non. Theo đó, trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn, học sinh mến cô, yêu trường lớp, phụ huynh tin tưởng gửi gắm và giáo viên vui vẻ, hạnh phúc…, trở thành môi trường lý tưởng trong việc nuôi dạy trẻ mầm non ở Hà Tĩnh.

Năm nay, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc ở bậc mầm non được gắn với chủ đề xây dựng trường học an toàn, xanh, sạch, đẹp. Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo điểm ở một số trường. Qua kiểm tra cho thấy, các phòng GD&ĐT, các nhà trường đã thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của ngành. Nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Cô Lưu Thị Phương
Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.