Trường học được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy - học.
Cảm nhận đầu tiên khi đến với Trường THCS Nguyễn Hữu Thái (Cẩm Quang) là quang cảnh mát mẻ, thân thiện với những tán cây sum suê che nắng, những bức tường mô phỏng danh lam thắng cảnh của quê hương từ thư viện xanh... Một năm nay, thư viện xanh ngày càng gần gũi với học sinh, trở thành không gian lý tưởng, tạo động lực cho việc dạy và học của thầy và trò.
Thầy Trần Văn Lam - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thái cho biết: “Thư viện được bố trí không gian theo hướng mở, gồm thư viện truyền thống liên kết với vườn đọc sách - thư viện xanh. Các phòng đọc kết nối với thiên nhiên, giáo viên, học sinh có thể tra cứu theo cách truyền thống hoặc kết nối với thực tế ở ngoài trời. Hằng năm, nhà trường đầu tư thêm các loại cây xanh để làm phong phú hơn cho thư viện, cũng là tạo cảnh quan đẹp cho mô hình trường học mới”.
Với diện tích 84m2, khu vực thư viện truyền thống gồm phòng đọc có hệ thống giá sách báo gọn gàng, tiện lợi, đủ chỗ cho 40 bạn đọc. Bên cạnh đó là dàn máy tính nối mạng giúp giáo viên, học sinh dễ dàng tra cứu thông tin và tham gia các diễn đàn, cuộc thi qua mạng. Xung quanh là vườn cây và các hình ảnh mô phỏng danh lam thắng cảnh nhằm đưa kiến thức đến gần hơn với học sinh.
Hiện tại, huyện Cẩm Xuyên có đến trên 20 thư viện như thế. Tất cả đều được đầu tư quy mô, hiện đại và thân thiện theo đúng tiêu chuẩn thư viện xanh, gắn tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia với mô hình trường học mới. Thầy Đặng Quốc Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Cuối năm 2015, trong khi tiêu chí thứ 14 (giáo dục) đã vững chắc thì tiêu chí số 5 (trường học) vẫn là một tiêu chí khó. Các điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong khi các trường sau một thời gian đạt chuẩn quốc gia thì CSVC cũng xuống cấp theo thời gian. Với tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với NTM, ngành phối hợp với địa phương chủ động rà soát theo các yêu cầu trong tiêu chí, đồng thời tham mưu xây dựng đề án xây dựng CSVC trường học ở các địa phương”.
Mục đích cao nhất đó chính là định hướng rõ chiến lược đầu tư cho giáo dục một cách đồng bộ gắn với quy hoạch chung của xã. Quan trọng hơn, việc đầu tư phải đến đúng mục tiêu và phát triển bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả cao nhất, vừa tránh lãng phí, phân tán do đầu tư theo cảm tính của cá nhân. Đến thời điểm này, 13 xã (đạt 50%) đã hoàn thành đề án. Theo đó, các hạng mục sẽ được đầu tư từ nay đến cuối năm 2020, tùy theo từng giai đoạn để phân bố nguồn lực.
Trong cuộc cách mạng NTM, sự linh hoạt, quyết liệt của chính quyền sở tại được xem là yếu tố “then chốt”. Cùng với việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiều địa phương không ngần ngại đầu tư cho giáo dục, giúp các trường thực hiện tiêu chí về CSVC. Thầy Bùi Trường Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Hòa cho biết: “Từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đồng hành với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài việc ưu tiên ngân sách địa phương, xã còn kêu gọi các nguồn xã hội hóa khác để dành kinh phí cho giáo dục. Hiện nay, xã đã hoàn thành việc phân bổ ngân sách từ nay đến 2020 giúp trường hoàn thành tiêu chí trường chuẩn quốc gia”.
Theo phân bổ, dãy nhà 2 tầng với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng sẽ được thực hiện ngay trong năm nay, từ năm 2017-2020, các hạng mục khác sẽ lần lượt được “rót” nguồn, vừa hoàn thành tiêu chí giáo dục, vừa đảm bảo để trường đạt chuẩn quốc gia một cách bền vững.