Xe “chạy gió” và nỗi niềm chủ kinh doanh vận tải khách ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh doanh vận tải khách trên địa bàn Hà Tĩnh đến nay vẫn còn khá nặng nề. “Bao giờ cho đến... ngày xưa" đang là mong mỏi của giới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Xe “chạy gió” và nỗi niềm chủ kinh doanh vận tải khách ở Hà Tĩnh

Tình trạng bến xe vắng khách sau khi trở lại hoạt động bình thường mới tại Hà Tĩnh vẫn đang xuất hiện hằng ngày suốt nhiều tuần nay

“Chạy gió” là từ lóng được giới kinh doanh vận tải chỉ về những chuyến xe vắng khách. Những chuyến xe mà theo lý giải của anh Nguyễn Văn Thành – lái xe Công ty Vận tải M.V chuyên chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội là “nghề nó thế. Không có người cũng phải chạy! Chạy để giữ lốt (biểu đồ chạy xe), giữ khách. Chưa chạy đã biết lỗ, may mắn mới có chuyến hòa…".

Chia sẻ thực trạng này, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh Bùi Phan Lương cho biết: Dù đã trở lại hoạt động bình thường nhưng tâm lý của hầu hết người dân vẫn rất e dè. Người nào có việc cấp thiết mới đi xe khách. Có xe xuất bến chỉ chưa đầy chục khách, làm sao đủ trang trải.

Theo ông Lương, trước dịch Covid-19, mỗi ngày đêm, tại Bến xe Hà Tĩnh có từ 80 – 85 lượt xe khách xuất bến thì nay chỉ còn khoảng 40 lượt. Hoạt động vận tải khách trầm lắng, giảm sút hẳn, dù dịch bệnh đã được kiểm soát.

Xe “chạy gió” và nỗi niềm chủ kinh doanh vận tải khách ở Hà Tĩnh

Xe liên tỉnh của Công ty CP Vận tải Thọ Lam nằm lâu không hoạt động, cỏ mọc ngập bánh.

Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hương Sơn) – đơn vị có trên 70 đầu xe gồm buýt và xe các tuyến cố định (Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đắc Lắc…) – những ngày trong “trạng thái bình thường mới” cũng im lìm, trống trải.

Ông Lê Đức Thọ - Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam cho hay: Mấy chiếc xe liên tỉnh này nằm đó kể từ ngày có dịch. Không biết sẽ còn “im lặng” đến bao giờ, vì có khách đâu mà chạy.

“Ba tuyến xe buýt kể từ ngày trở lại hoạt động bình thường cũng vắng khách, lỗ đều… Nếu trước dịch, 80 – 90% đầu xe hoạt động thì hiện nay chỉ mới đạt 40%. Tình trạng này nếu kéo dài chưa biết lấy gì trả lương cho gần 200 công nhân” - ông Thọ giãi bày.

Bức tranh buồn về tình hình hoạt động vận tải khách Hà Tĩnh thời hậu Covid-19 được ông Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Tĩnh “chốt” gọn: Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.173 phương tiện các loại, trong đó: 195 xe tuyến cố định, 90 xe hợp đồng, 758 xe taxi, 130 xe buýt. Từ 0h ngày 7/5/2020, các phương tiện trở lại hoạt động bình thường nhưng so với cùng kỳ năm ngoái hoặc khi chưa có dịch, xe tuyến cố định và taxi đều vắng khách, doanh thu đạt 30 - 40%; xe hợp đồng du lịch, doanh thu chỉ đạt 10%; xe buýt, doanh thu đạt 60%.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Tĩnh Trần Quốc Toản chia sẻ: Từ ngày 1/4/2020 đến 22/4/2020, lệnh dừng toàn bộ hoạt động vận tải, đồng nghĩa với gần 2.200 cán bộ công nhân viên trực tiếp và gián tiếp nghỉ việc… Từ ngày 7/5/2020 đến nay, dù trở lại hoạt động bình thường nhưng tình hình các doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hầu hết người lao động trong ngành.

Xe “chạy gió” và nỗi niềm chủ kinh doanh vận tải khách ở Hà Tĩnh

Những chuyến xe buýt chỉ lưa thưa khách đang là thực trạng chung của hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn Hà Tĩnh

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, khó khăn là vậy, nhưng việc thực hiện đúng với Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 vẫn còn khá gian nan.

Thay mặt lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Tĩnh, ông Toản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành có liên quan thực hiện nhanh gói cứu trợ của Chính phủ cho người lao động và các doanh nghiệp. Ngân hàng cần thực hiện giảm lãi suất thấp nhất cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tối thiểu đến hết năm 2020; giãn nợ và gốc cho các đơn vị kinh doanh vận tải từ 6 - 12 tháng và cho vay vốn không lãi suất để DN vận tải khôi phục sản xuất, trả lương cho người lao động...

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.