Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

(Baohatinh.vn) - Dù có thời điểm “chững” lại vì đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Hà Tĩnh đã có sự bứt phá ngoạn mục khi khép lại năm 2020 với kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.

Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm 85,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Năm qua, xuất khẩu là lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19. Dịch bệnh trên toàn cầu khiến hoạt động vận chuyển hàng qua biên giới ảnh hưởng lớn; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở các nước giảm nên lượng đơn đặt hàng với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng giảm theo.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trong những tháng đầu năm 2020 đạt thấp, thậm chí nhiều thời điểm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, đạt 1,2 tỷ USD theo kế hoạch đặt ra là nhiệm vụ hết sức khó khăn và tưởng chừng như không thể.

Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

Sản phẩm chủ lực của Công ty CP Sao Mai là bao bì nông sản, bao bì xi măng…

Trong hơn nửa đầu năm 2020, KNXK tăng trưởng “nhỏ giọt”. Đến hết tháng 8, KNXK toàn tỉnh chỉ mới đạt 647,54 triệu USD; đồng nghĩa với việc, 2/3 thời gian đã trôi qua nhưng mới chỉ đạt hơn 50% kế hoạch.

Tuy vậy, với nỗ lực tăng tốc chặng nước rút của các đơn vị, những tháng cuối năm, lĩnh vực xuất khẩu “lội ngược dòng” ngoạn mục, nhất là tháng 11 và 12 đạt xấp xỉ 130 triệu USD/tháng, góp phần đưa kim ngạch vượt qua con số 1,2 tỷ USD, tăng 41,2% so với năm 2019. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên lĩnh vực này lập kỷ lục vượt mốc 1 tỷ USD.

Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

Hoạt động sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh. (Ảnh tư liệu)

Góp phần quan trọng vào kết quả này chủ yếu là xuất khẩu thép và phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với KNXK đạt 938 triệu USD, chiếm 85,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Bên cạnh đó là các sản phẩm: dăm gỗ 30 triệu USD; hàng dệt may 6 triệu USD; thủy sản 5,1 triệu USD; chè 4,2 triệu USD; xơ, sợi, dệt các loại 4,7 triệu USD; gạo 3,2 triệu USD…

Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận, mở rộng thị trường ở các quốc gia mới. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng với đối tác đến quý II năm 2021. Ngoài ra, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết, 2 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn đã tìm hiểu để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu chè năm 2020 đạt 4,2 triệu USD.

Anh Nguyễn Khắc Nam - Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh vui mừng chia sẻ: “Năm 2020, sản phẩm của công ty đã tiếp cận với thị trường mới như: Hàn Quốc, Ai Cập, Nhật Bản, Bồ Đào Nha. Để đa dạng sản phẩm, công ty đã cung cấp thêm sản phẩm mới ra thị trường là sợi pha. Nhờ đó, sản phẩm xuất khẩu những tháng cuối năm tăng hơn 3 lần so với những tháng trước, góp phần đưa sản lượng của công ty đạt 7.000 tấn, trong đó 40% là xuất khẩu”.

Năm 2020, xuất khẩu gạo của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh đạt 16.000 tấn, tăng hơn 45% so với năm 2019. Anh Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc công ty cho biết: “Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là mở rộng thị trường vào các nước lớn, khi Hiệp định EVFTA được ký, chúng tôi đã tìm hiểu việc đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu. Đây là thị trường khó nhưng nếu tiếp cận được thì giá trị sản phẩm gạo của tỉnh sẽ được nâng lên”.

Xuất khẩu Hà Tĩnh “lội ngược dòng” lập kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 5,1 triệu USD.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu KNXK đến năm 2025 là 2 tỷ USD. Năm 2021, ngành công thương cũng đã đặt mục tiêu đưa KNXK lên 1,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2020.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa: Để đạt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, cần tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics; hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản xuất, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về các thủ tục thông quan hàng hóa. Cùng đó, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh…

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.