Chi trả dịch vụ môi trường rừng - “Trông người mà ngẫm đến ta”!

(Baohatinh.vn) - Sau gần 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng trở thành điển hình trong cả nước. Nếu so sánh trong mối tương quan thì Hà Tĩnh thuộc hàng... “em út”. Ngoại trừ những yếu tố khách quan thì vẫn còn nhiều tác động chủ quan khiến công tác thu DVMT rừng ở Hà Tĩnh chưa đạt kết quả như mong muốn.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng - “Trông người mà ngẫm đến ta”! ảnh 1

Khu du lịch Cửa Thờ - Trại Tiểu (Mỹ Lộc - Can Lộc), một trong những đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng

Không thể phủ nhận tỉnh Lâm Đồng có những lợi thế đặc biệt. Địa phương này hiện có khoảng 532.000 ha rừng, trong đó, khu vực rừng nằm trong các lưu vực được chi trả là 514.800 ha. Năm 2011, Lâm Đồng có 272.000 ha nhận tiền DVMT rừng. Năm 2014 là 328.000 ha và năm 2015 là 363.850 ha, chiếm 70% diện tích rừng toàn tỉnh.

Hàng năm, ở Lâm Đồng có trên 16.000 hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 50 đơn vị sử dụng DVMT rừng, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có 30 đơn vị sản xuất thủy điện, 9 đơn vị sản xuất nước sạch và 12 đơn vị kinh doanh du lịch.

Số tiền thu từ DVMT rừng hàng năm cũng tăng dần. Cụ thể là năm 2011: 58,4 tỷ đồng; năm 2012 là 105,5 tỷ đồng; năm 2013 là 127,1 tỷ đồng và năm 2014 xấp xỉ 170 tỷ đồng. Nguồn thu từ DVMT rừng tăng nên định mức khoán trực tiếp cho các hộ bảo vệ rừng theo đó cũng được nâng lên nhiều so với những năm trước đây và “chốt” ở mức 450.000 đồng/ha năm 2014.

Qua 4 năm thực hiện Nghị định 99, tổng kinh phí đã chi trả cho công tác bảo vệ rừng ở Lâm Đồng khoảng 440 tỷ đồng (400 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng và 40 tỷ đồng chi phí quản lý của chủ rừng).

Đề cập đến vấn đề này tại Hà Tĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nguyễn Công Tố ngậm ngùi nói rằng, nguồn thu từ DVMT rất… “bèo bọt”. Đã vậy, có tiền rồi cũng không thể… chi được.

Từ năm 2011-2013, Hà Tĩnh bắt đầu truy thu số tiền hơn 6,6 tỷ đồng DVMT rừng ở 5 đơn vị gồm: Công ty Thủy điện Hương Sơn, Công ty Đầu tư & Phát triển Miền Bắc 1 - đơn vị chủ quản của Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Công ty TNHH MTV Cấp nước & Xây dựng Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh - đơn vị chủ quản của Khu du lịch Cửa Thờ - Trại Tiểu (Mỹ Lộc - Can Lộc) và Công ty CP Thủy điện Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, cho đến nay, số tiền này không thể giải ngân được.

Theo lý giải của Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng Trần Chí Thanh thì: “Đến năm 2013, quỹ mới thành lập nên quá niên độ tài chính. Hay nói cách khác là ở thời điểm đó, các chủ rừng đã được cấp kinh phí hoạt động nên không thể chuyển tiền”. Toàn bộ số tiền này hiện đang chờ quyết định từ Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2014, thu từ DVMT rừng ở 5 đơn vị trên lẽ ra phải đạt gần 2,5 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ có 4 đơn vị nộp đủ; còn lại 132.805.000 đồng (có cả tiền truy thu từ những năm trước), Công ty CP Thủy điện Kẻ Gỗ không chịu trả. Mặc dù Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu thanh toán ngay nhưng công ty vẫn phớt lờ.

Khách quan mà xét thì số tiền thu DVMT rừng phụ thuộc nhiều vào công suất nhà máy thủy điện; các cơ sở cấp nước và du lịch chỉ đáp ứng phần nào nguồn thu từ DVMT rừng. Trong khi đó, công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh quá nhỏ. Theo quy định của Nghị định 99 thì mỗi kW điện thương phẩm, nhà máy thủy điện phải đóng 20 đồng phí DVMT rừng và các nhà máy sản xuất nước phải trả 40 đồng/m3 nước thương phẩm. Tuy nhiên, 2 nhà máy thủy điện: Hố Hô và Hương Sơn có công suất chỉ bằng 2/10 so với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Lâm Đồng (công suất 160 MW và hàng năm phải trả 50 tỷ đồng cho DVMT rừng) nên nguồn thu ít là đương nhiên.

Đã vậy, mức giá DVMT rừng theo Nghị định 99 vẫn… “giẫm chân tại chỗ” trong khi giá nước, điện 4 năm qua đã được điều chỉnh nhiều lần nên không còn phù hợp. Đặc biệt, số tiền người dân được nhận từ DVMT rừng cho công tác nhận khoán bảo vệ rừng lại quá ít. Toàn tỉnh hiện chỉ có 272 hộ dân thuộc 3 xã huyện Hương Khê là Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh được nhận tiền DVMT rừng với tổng số tiền xấp xỉ 20 triệu đồng, trung bình mỗi hộ nhận khoảng 70.000 đồng/ha/năm.

Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền thu từ DVMT rừng đạt hơn 9,4 tỷ đồng, còn thiếu gần 240 triệu đồng. Đây được coi là tín hiệu vui vì tiền thu được tăng nhanh sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng và người nhận khoán làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, con số này chưa là gì, bởi theo ông Đặng Bá Thức - chuyên gia lâm nghiệp tỉnh nhà thì “Hà Tĩnh trong những năm tới đây phải thu ít nhất từ 50-70 tỷ đồng từ DVMT rừng. Bởi rồi đây, nguồn thu từ công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và hồ chứa nước Rào Trổ ở Kỳ Anh là khá dồi dào. Tất nhiên, phải được Chính phủ cho phép thu từ sản xuất nước công nghiệp ở hồ Rào Trổ”.

“Hà Tĩnh cần phải khẩn trương hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng, từ đó mới có thể tính toán chính xác các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMT rừng để thu đúng, đủ. Thêm nữa, tỉnh phải kiên trì kiến nghị Chính phủ thu thêm tiền DVMT rừng ở hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác vì Nhà nước miễn thủy lợi phí thì phải có số tiền lớn để hỗ trợ chủ rừng và người dân trong lưu vực bị ảnh hưởng” - ông Thức nói thêm.

Cùng đó, các ngành chức năng cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng vì còn rất nhiều đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ rừng nhưng lại đứng “ngoài hàng rào” trả tiền DVMT rừng, đồng thời, phải xử lý dứt điểm tình trạng chây ì nợ tiền DVMT rừng. Có như vậy, “cuộc chiến” bảo vệ rừng mới thực sự có hiệu quả bền vững.

Đọc thêm

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.
Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Đây là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với ngành Nông nghiệp tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ NN&PTNT.
Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Để tăng tỷ lệ hộ nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt chuẩn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh không ngừng triển khai các giải pháp, mở rộng mạng lưới, cung cấp và cải thiện chất lượng nước phục vụ người dân.
Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Trước dự báo thời tiết còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, các cơ sở và hộ nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các giải pháp chống rét cho tôm, cá.
Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi với hy vọng mang về nhiều lộc biển để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no bên gia đình.
Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025