Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh còn khá lớn, trong khi tiêu thụ chậm, giá xuống thấp. Do thua lỗ từ lứa nuôi trước nên việc tái đàn sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi “bỏ trống” chuồng. Điều này dẫn đến việc thừa đọng lợn giống tại các trại chăn nuôi lợn nái.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, hiện có 12/26 cơ sở có tồn con giống sau cai sữa (khối lượng từ 7- 35 kg/con), với khoảng 13.000 con. Trong khi đó, giá lợn giống thương phẩm xuất bán giao động từ 800- 950 nghìn đồng/con, giảm so với thời điểm giữa năm 2016 từ 600- 800 nghìn đồng/con, chỉ đạt mức tương đương với giá thành sản xuất, chưa tính khấu hao chuồng trại, thiết bị…
Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang: Giải pháp tối ưu nhất là giảm giá thành sản phẩm. Huyện chủ trương sẽ có phương án tháo gỡ khó khăn, ưu tiên tiêu thụ cho các trại nái của địa phương.
Tại thị trường chăn nuôi lợn thịt, hiện các mô hình chăn nuôi gia công quy mô lớn (liên kết với Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam), các công ty vẫn tiến hành thu mua và thả lợn theo đúng hợp đồng. Còn tại các HTX, THT chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa, các cơ sở chỉ duy trì ở mức 50- 60% quy mô. Trong điều kiện giá lợn hơi giảm, đầu ra gặp khó khăn, trong khi nguồn thức ăn và chi phí đầu vào khác vẫn không giảm nên không có vốn đầu tư trở lại, có hiện tượng bỏ trống chuồng.
Ông Nguyễn Đình Lộc - Phó Giám đốc Sở Công thương: Ngành nông nghiệp cần có sự rà soát quy hoạch, đảm bảo phát triển chăn nuôi phù hợp với nhu cầu và thị trường. Cùng với đó, sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.
Hiện, giá lợn hơi vẫn còn thấp (34.000- 36.000 đồng/kg), dấu hiệu phục hồi chậm, gây thua thiệt cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và phụ thuộc thức ăn chăn nuôi bên ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Tạo, Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn Sơn Lâm (Hương Sơn): Tổ hợp tác có 10 thành viên thì 7 thành viên không tái đàn. Mặc dù vào thời điểm này, giá lợn giống giảm so với trước nhưng giá thức ăn và chi phí khác vẫn cao trong khi giá bán thấp nên bà con không dám tiếp tục nuôi.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chia sẻ với bà con chăn nuôi trong thời gian qua; hoan nghênh các chủ chăn nuôi đã nỗ lực vượt khó, ứng phó linh hoạt với thị trường, có nhiều giải pháp sáng tạo; yêu cầu các cấp, các ngành cùng vào cuộc, có giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với người chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các địa phương, các ngành chức năng nắm bắt tình hình từng cơ sở, từng vùng nuôi. Tại địa phương, cần tổ chức họp các đối tác, cùng giúp hộ chăn nuôi trong việc tìm thị trường, thay đổi mô hình quản trị để giảm giá thành; chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết với nhau vượt qua khó khăn mà vẫn đảm bảo chất lượng cả trại giống và lợn thịt.
Sở NN&PTNT nắm bắt khó khăn, từ đó tham mưu hướng giải quyết cho tỉnh; hỗ trợ giúp đỡ bà con trong công tác phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi; chủ trì phối hợp với ngân hàng soát xét, xây dựng chính sách riêng đối với chăn nuôi lợn. Sở Tài chính ưu tiên giải ngân chính sách cho đối tượng chăn nuôi lợn; Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ trong công tác thị trường…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các cơ sở chăn nuôi, địa phương và ngành chuyên môn cần quan tâm đến dịch bệnh, tránh tình trạng để dịch bệnh phát sinh và bùng phát, gây thiệt hại kép cho người chăn nuôi.