Ngày 10/4, tại xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái nhân văn vùng cao (CHESH) tổ chức hội thảo chuyên đề “Lịch sử nông nghiệp trên thế giới từ cuộc cách mạng xanh (1960) tới quá trình biến đổi cơ thể hệ sinh thái tự nhiên rừng - rẫy - ruộng ở Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông".
Tham dự hội nghị có Tiến sỹ Keith Barber - nhà nhân chủng học xã hội, Đại học Waikato, Hamilton, New Zealand và các chuyên gia tư vấn độc lập về địa chính, công nghệ bản đồ và số hóa trong ứng dụng công thức tính trữ lượng gỗ và Carbon của bể sinh khối rừng tự nhiên trên bề mặt thuộc rừng mưa nhiệt đới Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ; lãnh đạo ngành NN&MT, huyện Hương Sơn.

Chuyên đề “Lịch sử nông nghiệp trên thế giới từ cuộc cách mạng xanh (1960) tới quá trình biến đổi cơ thể Hệ sinh thái tự nhiên rừng - rẫy - ruộng” giới thiệu về các hình thái nông nghiệp mà loài người đã trải qua từ những năm 1960 đến nay.
Trong đó, cuộc Cách mạng xanh (1960) đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp toàn cầu. Đây là thời kỳ áp dụng các công nghệ mới như: giống cây trồng năng suất cao, phân bón hóa học và các phương pháp tưới tiêu hiện đại nhằm tăng sản lượng nông nghiệp. Cuộc cách mạng này đã có những ảnh hưởng sinh thái và xã hội to lớn đối với loài người.

Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vào các thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX cũng chịu những ảnh hưởng của Cách mạng xanh. Theo đó, Cách mạng xanh là sự chuyển giao công nghệ nông nghiệp, tác động đến năng suất và an ninh lương thực, đồng thời làm biến đổi hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam, đặc biệt thông qua việc áp dụng công nghệ mới vào tập quán canh tác truyền thống. Quá trình chuyển đổi từ mô hình rừng - nương - rẫy sang hệ thống sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã làm thay đổi cấu trúc sinh học và sinh thái.

Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe trình bày các bài thuyết trình về lịch sử nông nghiệp thế giới, từ nông nghiệp hóa học - nông nghiệp công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ đến nông nghiệp sinh thái; "ứng dụng công nghệ GPS/GIS và các công thức tính trữ lượng carbon trong sinh khối trên bề mặt đất" quy đổi thành lượng tín chỉ carbon tương đương trên diện tích rừng mưa nhiệt đới vùng Bắc Trung Bộ, lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Đồng thời, đại biểu cũng được thông tin về vấn đề nông nghiệp sinh thái - một loại hình quy hoạch sử dụng đất lưu vực đầu nguồn sông Mê Kông, hướng tới an toàn sinh kế và phục hồi sức khỏe đất.
Từ đó, cung cấp một bức tranh tổng quan trên toàn thế giới từ năm 1960 tới nay cùng những thăng trầm và thách thức của người nông dân trên hành trình phát triển mà nông nghiệp là trung tâm.
Đại biểu tham gia hội nghị đều cho rằng, việc thực hiện các phương pháp nông nghiệp mới trong bối cảnh biến đổi hệ sinh thái cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự bền vững cho cả hệ thống rừng, rẫy và ruộng ở Việt Nam. Cần kết hợp giữa phát triển nông nghiệp hiện đại với bảo vệ môi trường để duy trì được các tài nguyên tự nhiên cũng như sự sinh tồn, hướng tới truy suất nguồn gốc trên từng sản phẩm và tác động xã hội, kinh tế và môi trường đối với sức khoẻ của cộng đồng nông dân.