Năm 2024, CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Đức Thọ ra đời với 50 thành viên. Ban đầu là hình thức tập hợp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, đến nay, CLB là diễn đàn của nông dân để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "Thời gian qua, ban chủ nhiệm đã tổ chức cho các thành viên đi thực tế một số mô hình như: các cơ sở sản xuất đồ gỗ xã Trường Sơn và Thanh Bình Thịnh; cơ sở chế biến ngũ cốc tại xã Tùng Ảnh; cơ sở sản xuất gạo hữu cơ ở xã Bùi La Nhân; mô hình chăn nuôi tằm ở xã An Dũng; mô hình trồng táo ở thị trấn Đức Thọ… Qua đó, các thành viên CLB nắm bắt các quy trình sản xuất, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. CLB cũng phối hợp với Hội Nông dân, Văn phòng Nông thôn mới huyện tổ chức tập huấn cho thành viên về công nghệ số; tham mưu Hội Nông dân huyện cho vay trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gần 50 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý nhằm phát triển bền vững ngành nghề của thành viên CLB…".

Từ những hoạt động thiết thực, thành viên CLB đã tích góp thêm được kinh nghiệm từ các thành viên khác để vững vàng xây dựng mô hình kinh tế của riêng mình.
Ông Nguyễn Đình Phúc - thị trấn Đức Thọ hồ hởi: "Tham gia CLB, tôi học hỏi được nhiều điều từ các thành viên khác, nắm bắt được cách làm hay để áp dụng vào chính mô hình của gia đình. Đặc biệt, tham gia CLB giúp chúng tôi hiểu rằng, nếu không học hỏi, không liên kết, không có khoa học kỹ thuật sẽ khó mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tôi đang trồng cây táo trên diện tích đất hoang hóa ven sông. Qua thông tin từ CLB, tôi đang học tập và thử nghiệm sản xuất một số giống cây mới như: sâm bố chính, mía và đang mong muốn được tìm hiểu để xây dựng mô hình nuôi tằm. Chúng tôi cũng phấn khởi khi được biết những kinh nghiệm quý của mình trong canh tác được các thành viên khác áp dụng hiệu quả".

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 13 CLB sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện với 286 thành viên tham gia. Ngoài ra, một số địa phương đã thành lập CLB cấp xã, cấp thôn. Như xã Thạch Ngọc (Thạch Hà), được gợi ý từ Hội Nông dân xã, năm 2025, 12 hội viên đã tự nguyện thành lập CLB, hoạt động bài bản, có ban chủ nhiệm.
Anh Nguyễn Trí Song - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "Hiện nay, nông dân đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản. CLB được thành lập với mục tiêu hỗ trợ lẫn nhau để tháo gỡ khó khăn, liên kết sản xuất. Dù mới được thành lập nhưng chúng tôi đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm quý từ các thành viên trong CLB. Trong thời gian tới, CLB sẽ tổ chức tham quan, tiếp tục học hỏi mở rộng quy mô mỗi thành viên cũng như xây dựng mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao để hội viên trong địa phương nhân rộng".

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Anh cho biết, năm 2024, Hà Tĩnh có 92.000 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Cùng đó, các địa phương đã thành lập được CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Việc thành lập CLB nhằm thu hút, tập hợp những hộ nông dân xuất sắc; trước hết, qua sinh hoạt đã truyền cảm hứng thi đua lao động sản xuất, quyết tâm làm giàu đến các thành viên. Đồng thời, tạo sự gắn kết và lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, các mô hình điển hình tiên tiến trong mỗi địa phương.

CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng là diễn đàn, môi trường để nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Một số CLB sau thành lập đã có những trăn trở và thử nghiệm cách làm, xây dựng mô hình và hướng đi mới để cùng hợp tác, phát triển kinh tế để hội viên nông dân học tập, nhân rộng. Từ đó, hoạt động của các CLB góp phần nâng cao hiệu quả "Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.