Từ "rừng thiêng nước độc" đến vùng kinh tế trang trại trọng điểm

(Baohatinh.vn) - Từng được biết là vùng đất “rừng thiêng nước độc”, cụm kinh tế mới Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nay đang đổi thay nhờ phát triển kinh tế vườn đồi.

Trước những năm 2000, khu vực vùng núi Khe Thờ (cách trung tâm TDP Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc gần 4 km về phía Tây) vẫn là một vùng đồi núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, gần như tách biệt với các vùng trung tâm trong khu vực.
Bắt đầu từ năm 2001, Công ty Cao su Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng cây cao su trên vùng đất này và bố trí một đội công nhân bám trụ để sản xuất. Sau đó, nhiều hộ dân ở các địa phương như: thị trấn Đồng Lộc (trước là xã Đồng Lộc), các xã: Trung Lộc, Thượng Lộc… cùng di dân lên lập trại làm kinh tế ở nơi đây.

Vượt qua khó khăn, bằng bàn tay và trí óc, sự quyết tâm biến tiềm năng đất đai thành của cải vật chất, vùng “rừng thiêng nước độc” nay đã thành một vùng kinh tế mới với nhiều trang trại rộng lớn.

bqbht_br_h1-ong-truong-ben-vuon-cam-triu-qua.jpg
Vườn cam ông Phan Bá Trường có 500 gốc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Hùng Thái - một nông dân thế hệ 7X giàu nghị lực và sự quyết tâm mãnh liệt đã táo bạo đến vùng đất này lập nghiệp. Hiện nay, nhờ hệ thống điện, đường tương đối đồng bộ, anh đã xây dựng được trang trại rộng 5 ha với hơn 600 gốc cam chanh, hàng trăm gốc ổi Đài Loan, hồng vuông, chăn nuôi trên 100 đàn ong mật kết hợp chăn nuôi gà, bò, lợn rừng và trồng 3 ha keo tràm đã đem lại thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Anh Thái chia sẻ: “Giữa vùng rừng núi hoang vu không thể kể xiết những khó khăn ban đầu, nhiều lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc vì đất ở đây toàn sỏi đá, lại vùng núi đồi cách xa trung tâm. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải làm để kiếm cái ăn, cái mặc và nuôi các con ăn học. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, được chính quyền địa phương và Nhà nước tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi, tôi mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để từng bước mở rộng sản xuất”.

bqbht_br_mh-nuoi-ong-cua-anh-lan-khe-tho.jpg
Anh Nguyễn Hùng Thái tận dụng khu vực vườn cam, vườn tràm để làm cơ sở nuôi hàng trăm đàn ong mật/năm.

Được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều chính sách của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển sản xuất trên vùng kinh tế mới của chính quyền địa phương, những người dân nơi đây đã mạnh dạn san ủi đất đồi, mở rộng đường sá, đưa vào các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Sau nhiều năm xây dựng, trang trại của ông Phan Bá Trường đã có trên 500 gốc cam bù, cam chanh, 0,5 ha ao nuôi cá và hơn 20 ha trồng keo chàm. Mỗi năm, ông có thu nhập trên 300 triệu đồng từ kinh tế trang trại.

Ông Trường cho biết: “Tôi và gia đình đã gắn bó với mảnh đất này gần 20 năm và được chứng kiến sự đổi thay “thần kỳ” của vùng đất nhiều khó khăn. Tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách để bà con chúng tôi bám víu đầu tư phát triển kinh tế. Tôi và nhiều bà con trong làng ngày càng tin tưởng, đồng lòng, cùng nhau phát quang bụi rậm, cải tạo đất đai, đào kênh dẫn nước để sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, tìm hiểu mở rộng đối tượng cây trồng, vật nuôi nên mới có được "cơ đồ" như hôm nay”.

bqbht_br_img-2203.jpg
Những trang trại rộng 3 - 5 ha ở vùng núi Khe Thờ được quy hoạch với hệ thống vườn - ao - chuồng bài bản.

Đến thời điểm hiện tại, vùng đất Khe Thờ đã có sự chuyển mình rõ rệt với hàng chục mô hình phát triển kinh tế có giá trị hàng trăm triệu đồng/năm. Những mô hình kinh tế tổng hợp VAC (vườn - ao - chuồng) được nhiều hộ dân áp dụng đa dạng cây, con như cam, keo tràm, ong, lợn rừng, bò,…

Những khó khăn về điện lưới, đường giao thông đang từng bước được cải thiện, ngày càng nhiều các dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng hiện đại; hoạt động giao thương ngày càng thuận lợi hơn. Những mô hình phát triển theo hướng trang trại, gia trại, kinh tế tổng hợp VAC không chỉ tối ưu hóa diện tích đất sử dụng mà còn mang lại sự bền vững về kinh tế và môi trường, giúp người dân tăng thu nhập ổn định.

bqbht_br_img-2131.jpg
Vùng kinh tế mới Khe Thờ đã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế có giá trị hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Phan Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc cho biết: “Vùng Khe Thờ đã và đang trở thành vùng kinh tế trang trại trọng điểm của thị trấn Đồng Lộc. Điều đáng nói, các mô hình phát triển trên vùng đất này đã phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để phát triển theo hướng kinh tế trang trại tổng hợp. Đây cũng là hướng đi mà chính quyền địa phương xác định sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển trong thời gian tới.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng người dân, tạo mọi điều kiện trong phát triển sản xuất; tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện cho bà con có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Trúng đậm cá trích, ngư dân Thạch Lạc kiếm tiền triệu mỗi chuyến ra khơi

Ngư dân Thạch Lạc trúng đậm cá trích

Thời tiết thuận lợi, ngư dân xã Thạch Lạc (Hà Tĩnh) liên tiếp trúng đậm cá trích. Có những thuyền chỉ sau 4 - 5 giờ ra khơi mang về thu nhập hàng chục triệu đồng.
Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Hy sinh lợi ích, bà con giáo dân thôn Vĩnh Phúc đã tích cực hiến đất và tài sản trị giá hàng tỷ đồng để mở đường giao thông, góp phần xây vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Mô hình "Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ" của Hội LHPN xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường mà còn biến hàng trăm tấn rác thải thành nguồn phân bón hữu ích.
Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Người dân Hà Tĩnh trúng đậm ốc tép

Với giá bán 300.000 - 320.000 đồng/tạ ốc tép, ngư dân Hà Tĩnh có thể thu về từ 1,5-3 triệu đồng/ngày nhờ tích cực kéo lưới thu hoạch "lộc biển".