“Lấp đầy” vụ đông

(Baohatinh.vn) - Trước khi đợt mưa lạnh tiếp theo tràn xuống, Hà Tĩnh đã có gần 10 ngày nắng đẹp trải rộng khắp các vùng, trở thành thời điểm “vàng” để nông dân toàn tỉnh tái sản xuất. Đến nay, diện tích cây vụ đông toàn tỉnh đạt 3.037,5 ha, gồm ngô lấy hạt, ngô sinh khối và rau màu các loại...

Dù phải cực nhọc làm đi làm lại mấy lần thì vườn rau của gia đình chị Trịnh Thị Hoài (thôn La Xá, Thạch Lâm, Thạch Hà) cũng đã bén mầm. Trong số 2 sào đất, đa phần là húng quế, kinh giới, có số đã cho thu hoạch, số vừa lên khỏi mặt đất, có số lại vừa mới gieo. Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rau, cực nhọc mấy thì anh chị cũng phải “phủ” hết diện tích.

lap day vu dong

Chị Trịnh Thị Hoài chăm sóc đồng rau thơm 2 sào cho thu nhập cao

Chị Hoài cho biết: “Trồng rau đã trở thành kế sinh nhai rồi. Mùa nào thức nấy nhưng vụ đông là được giá nhất. Với tình hình thời tiết như năm nay, gia đình tôi ưu tiên các loại cây ngắn ngày. Chẳng hạn như cây gia vị, thời gian sinh trưởng ngắn nhưng cho thu hoạch lâu dài”. Ở những nơi nước lụt làm thối cây, vợ chồng chị, làm sạch đất và gieo trồng lại giống mới. Tất cả đều là rau gia vị. Thời điểm hiện tại, mỗi bó rau gia vị nhập với giá 2-3 nghìn đồng, mỗi ngày, gia đình chị thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Định hướng đầu tư thâm canh loại cây trồng này, anh chị đã đầu tư thêm lưới phủ, lắp đặt hệ thống tưới tự động nhằm “chế ngự” thời tiết.

“Những ngày mưa rét thì có thể ươm cây trồng vồng, che phủ ni-lông, những ngày nắng ráo thì kéo lưới ra để cây lấy sáng. Linh hoạt trong sản xuất để có sản phẩm bền vững và ổn định hơn” - chị Hoài cho biết thêm.

Ở Thạch Lâm có khoảng 50 hộ trồng rau và có một HTX chuyên sản xuất rau, cây gia vị với 30 hộ, gieo trồng tập trung với 2 ha. Sau mưa lũ, hiện tại, HTX đã gieo trỉa được khoảng 50% diện tích, số còn lại được rải từ nay đến hết tháng 12 để phục vụ tết.

Phương Mỹ (Hương Khê) cũng đã “rũ bùn” đứng dậy sau những cơn lũ chồng lũ. Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Tân Thượng) cho biết: “Cả người, gia súc đang trông chờ vào 3 sào ngô. May làm đất kịp thời, sau gieo trỉa, thời tiết lại nắng ráo nên cây đã bén mầm”. Theo thông tin nhận được, hiện tại, “rốn” lũ này đã trồng mới được 70 ha ngô, gồm ngô lấy hạt và ngô sinh khối với các giống ngắn ngày như: MX4, MX6. Ngoài mục đích an sinh, cứu đói cho người và vật nuôi thì chiến lược về sản xuất hàng hóa đối với cây trồng thế mạnh này cũng được thể hiện rõ khi quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh lên đến 50 ha.

Phải nói rằng, sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, địa phương, cùng với sự vào cuộc linh hoạt của các doanh nghiệp đã giúp các vùng chạy đuổi được thời vụ. Cơn lũ đầu tiên kết thúc cũng là thời điểm kết thúc thời vụ cận kề. Tất cả các doanh nghiệp đều đứng ra làm vai trò khâu nối, vừa liên hệ nguồn, vừa chuyển giống về cho bà con gieo trỉa.

Bà Võ Thị Hồng Minh – Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Những ngày sát thời vụ, chúng tôi cũng như nông dân như ngồi trên đống lửa. Có giống về là cấp xuống tận thôn, xóm. Công ty đã cung ứng đủ gần 16 tấn (tương đương 768 ha) ngô nếp các loại, chủ yếu là nhóm ngắn ngày cho trà ngô đông muộn như: nhóm MX, HN 68. Tất cả đã được gieo trỉa xong”.

Cuộc chạy đua với thời vụ của ngô sinh khối cũng không kém sôi động. Ngay sau lũ, Công ty TNHH Đầu tư thương mại & Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad) đã cấp ngay 1 tấn giống cho bà con xã Gia Phố. Tiếp theo đó, các xã đăng ký tới đâu, giống được chuyển về kịp thời, đến nay, đã gieo trỉa trên 1.000 ha ngô sinh khối, khả năng diện tích đạt trên 2.000 ha, vượt ước tính ban đầu. Ông Trần Hữu Tuyên - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Ngoài phục vụ dự án chăn nuôi bò Bình Hà, công ty còn cung ứng nguyên liệu làm thức ăn gia súc ra thị trường ngoài tỉnh. Vì vậy, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ diện tích đã liên kết theo đúng cam kết”.

Vụ đông đã trải qua những ngày tháng khó khăn nhất. Mặc dù so với kế hoạch, số thực hiện được chỉ mới đạt 1/3 nhưng bà con nông dân và các địa phương vẫn đang tập trung cao độ để từ nay đến hết tháng 12 “lấp đầy” vụ đông.

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.