Mô hình nuôi thỏ liên kết ở Vũ Quang: Thất bại do đâu?

(Baohatinh.vn) - Cách đây chưa lâu, người dân một số xã trên địa bàn huyện Vũ Quang háo hức bắt tay thực hiện dự án nuôi thỏ liên kết với Công ty CP Thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội với mong muốn tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế hộ và đa dạng hóa các loại vật nuôi. Nhưng không như kỳ vọng ban đầu, hiện nay, mô hình này gần như đi vào “ngõ cụt”...

Trên lý thuyết, hình thức nuôi thỏ liên kết khá khả thi vì doanh nghiệp (DN) lo tất cả các khâu, từ cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y đến bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, theo định mức kỹ thuật, vào năm đầu, mỗi mô hình nuôi quy mô 16 con cái và 4 con đực thì người nuôi lãi gần 23,8 triệu đồng/năm. Với tính toán đó, Vũ Quang đã triển khai nuôi thí điểm 2.422 con thỏ bố mẹ/103 hộ nuôi với quy mô 20 con trở lên tại địa bàn 8 xã, thị trấn...

Thế nhưng, khi triển khai, nhiều vấn đề chưa lường trước được đã phát sinh, lợi nhuận không như tính toán ban đầu. Ông Nguyễn Doãn Hùng (xóm 1, Bồng Giang, xã Đức Giang) nuôi 100 con thỏ sinh sản, được xem là hộ nuôi có hiệu quả kinh tế cao nhất nhưng vẫn còn cách rất xa dự tính ban đầu. Nếu tính theo quy mô 20 con và bán toàn bộ thỏ thịt cho DN thì mức lợi nhuận gần 7,3 triệu đồng/năm; còn nếu vừa bán cho DN, vừa bán thỏ giống cho các hộ khác thì lợi nhuận gần gấp đôi, nhưng hiện nhu cầu thỏ giống không nhiều.

mo hinh nuoi tho lien ket o vu quang that bai do dau

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thỏ xã Hương Điền: “Lúc mới triển khai, xã có 19 hộ nuôi 220 con thỏ nái nhưng sau 1 năm thì chỉ còn lại 6 hộ...".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, hộ anh Hùng là một trong 8 hộ trên địa bàn Vũ Quang nuôi thỏ có lợi nhuận. Số còn lại có 32 hộ đang tiếp tục nuôi nhưng chưa có lãi hoặc thua lỗ; 63 hộ đã ngừng nuôi do không mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thỏ xã Hương Điền thông tin thêm: “Lúc mới triển khai, xã Hương Điền có 19 hộ nuôi 220 con thỏ nái nhưng sau 1 năm thì chỉ còn lại 6 hộ. Các hộ còn duy trì chỉ nuôi theo kiểu tận dụng thời gian chứ không vì mục đích kinh tế vì sau khi trừ chi phí thì may ra, mỗi năm chỉ lãi khoảng 2 triệu đồng/20 con thỏ bố mẹ, còn không thì hòa vốn. Hiện nay, người dân trên địa bàn không còn mặn mà với nuôi thỏ”.

Theo phản ánh của người nuôi, nguyên nhân dẫn tới nuôi thỏ chưa có lãi là vì chưa có kinh nghiệm nên thỏ sinh sản kém, hay bị bệnh, tỷ lệ chết cao, đến khi xuất chuồng chỉ đạt 30-35%, còn phần lớn là chết ở giai đoạn thỏ đạt từ 1-1,5 kg. Nuôi khó khăn, đến khi bán cũng gặp vấn đề vì DN liên kết chỉ thu mua những con đạt tiêu chuẩn theo hợp đồng đã ký với mức 70 ngàn đồng/kg, trong khi giá thị trường là 90-100 ngàn đồng/kg. Biết là bị thiệt thòi nhưng vẫn phải bán vì đã có hợp đồng ràng buộc, trong khi thị trường tiêu thụ thịt thỏ bên ngoài cũng chưa phổ biến...

Một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cho rằng: Sở dĩ nuôi thỏ liên kết chưa đạt hiệu quả như mong đợi là do người dân còn coi đây là một dự án được hưởng lợi, chứ chưa thực sự bỏ vốn đầu tư, bỏ công chăm sóc. Thiếu kinh nghiệm, cộng với chuồng trại chưa đảm bảo, không sử dụng thức ăn dành riêng cho thỏ mà thay thế bằng cám gà, cám lợn nên phát sinh nhiều rủi ro, năng suất không cao. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân xuất phát từ DN như: tổ chức tập huấn chưa chuyên sâu, người nuôi chưa nắm bắt hết các kỹ thuật cơ bản; cung cấp con giống chưa được kiểm định chất lượng, con giống không đồng đều, thích nghi với điều kiện sống kém, khả năng sinh sản thấp; cung ứng thức ăn, vắc-xin, thuốc thú y còn chậm...

Nếu xét một cách khách quan thì đây có thể xem là một hướng đi đúng và bằng chứng là một số hộ vẫn đang duy trì và nuôi có lãi. Vấn đề nằm ở chỗ, người nuôi, DN, cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình để khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Muốn thành công, phải xem những thất bại bước đầu này là bài học quý để hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.