Tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. |
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh tiến hành tiêm cho 227.613 con trâu, bò; 379.006 con lợn; 239.476 con chó và hơn 6 triệu con gia cầm, phòng các loại bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng, dịch tả, dại chó, cúm gia cầm (H5N1). Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này, kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ quá thấp, thậm chí, có địa phương chưa triển khai. Tỷ lệ tiêm đàn trâu, bò mới chỉ đạt khoảng 12%; đàn lợn hơn 8%, dại chó 17%. Ngoài những địa phương triển khai sớm, đạt kết quả từ 25-40% như Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… số còn lại, tỷ lệ hết sức khiêm tốn.
Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm trước. Trước hết là do chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Mặt khác, người chăn nuôi vẫn còn lơ là, chủ quan. Khi dịch bệnh xẩy ra mới lo tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cũng chính vì lẽ đó mà dịch bệnh vẫn thường xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm khi chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Địa bàn huyện Can Lộc là điểm “nóng” thường xuyên xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa triển khai tiêm phòng vụ xuân cho bất cứ loại dịch bệnh nào. Lý giải về vấn đề này, ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho rằng: Do đang chờ vắc-xin LMLM nên các địa phương chưa triển khai tiêm. Một lần tổ chức tiêm vừa tốn kém, vừa mất thời gian, vì vậy, chờ khi nào có đủ vắc-xin mới tổ chức một thể.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y thì các địa phương nên chủ động tiêm phòng loại dịch bệnh khác, không nhất thiết phải chờ vắc-xin LMLM. Thời điểm này, gia súc, gia cầm đều đã hết thời gian miễn dịch nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Về vấn đề vắc-xin LMLM, bắt đầu từ vụ xuân năm nay, chương trình mục tiêu quốc gia khống chế bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2016-2020 chỉ cấp 100% vắc-xin cho các vùng khống chế tại các địa phương Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, còn các địa phương vùng đệm sẽ do tỉnh quyết định. Hiện nay, tỉnh cũng đã ban hành cơ chế cấp vắc-xin LMLM. Theo đó, trích từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 2,6 tỷ đồng để mua vắc-xin LMLM cho các vùng khống chế; hơn 2,2 tỷ đồng (40%) từ ngân sách dự phòng mua vắc-xin LMLM cho các vùng đệm và vùng khác. Các địa phương vùng đệm và vùng khác chủ động cân đối ngân sách với cơ chế 40%, số còn lại do người chăn nuôi tự lo chi phí.
Chi cục Thú y cũng đang gấp rút thực hiện chỉ định thầu mua vắc-xin LMLM đảm bảo số lượng, chất lượng để kịp thời cung ứng cho các địa phương triển khai tiêm đạt kế hoạch giao.