8 tháng, 26 trẻ đuối nước
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 37 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích và đuối nước, trong đó có 26 em đuối nước.
Kênh nước ngọt sông Nghèn - nơi xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh Tô Văn Quân và Tô Thị Diễm Phương (trú tại xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) tử vong ngày 5/9/2016.
Khoảng 9h ngày 5/9, hai em Tô Văn Quân (SN 2010) và Tô Thị Diễm Phương (SN 2009), trú xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) sau khi dự lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Thạch Mỹ đã rủ nhau ra kênh nước ngọt sông Nghèn chơi thả thuyền giấy. Trong lúc cúi xuống thả thuyền giấy, Phương, Quân bị sẩy chân và đã tử vong tại hố công trình được tạo ra do quá trình thi công hệ thống kênh nước ngọt sông Nghèn. Hố này chỗ sâu nhất khoảng 3m, theo một số người dân xã Thạch Mỹ thì từ năm 2015 tới nay có 6 người bị đuối nước.
Trước đó, ngày 28/6, tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn), các em: Nguyễn Thị Song Thao (SN 2005), Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 2004) cùng thôn Tây Sơn; Phạm Ánh Tuyết (SN 2003), thôn Thọ Lộc, vào rừng hái sim về bán. Trên đường về, do trời nắng nóng nên 3 em xuống đập Nội Tranh để tắm và bị đuối nước.
Ngày 26/8, tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn) xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 học sinh tử vong.
Ngoài ra, còn có trường hợp em Nguyễn Anh Đức (SN 2006) ở huyện Can Lộc được gia đình cho đi học bơi tại TP Hà Tĩnh và đã tử vong ngay ở bể bơi vào cuối tháng 6.
Cần những giải pháp hiệu quả
Bà Phan Thị Mai Hương - Phó Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB&XH cho rằng, trên địa bàn tỉnh có nhiều hệ thống sông, hồ nên chỉ cần một phút sơ sẩy của người lớn, trẻ em có thể đuối nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, trẻ em đuối nước là do không biết bơi, chưa được trang bị những kiến thức, nhận thức về an toàn trên mặt nước. Tiếp đến là do nhận thức chung về vấn đề này còn hạn chế, nhiều bậc cha mẹ chưa để ý tới những nguy cơ tiềm ẩn xung quanh con mình để khuyên răn, giúp con có khả năng phòng tránh... Phần lớn các vụ đuối nước đều xảy ra khi gia đình không giám sát, để các em ra sông, hồ tắm, chơi, câu cá, không may sẩy chân ngã xuống nước.
Bên cạnh đó, còn có những tác nhân của sự vô ý, thiếu trách nhiệm của cộng đồng xã hội như việc nhà thầu đào đất làm vật liệu xây dựng, nhưng không có cảnh báo hoặc sau khi kết thúc công trình không san lấp để trẻ sa xuống hố sâu bị chết đuối. Các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cũng như cảnh báo về các điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước trên địa bàn.
Trang bị kỹ năng bơi lội là một trong những biện pháp góp phần phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Bà Hương cho biết thêm, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Tuy nhiên, công tác truyền thông ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa nhiều, từ đó chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân.
Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, phong trào dạy bơi, học bơi cho trẻ em phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn các vùng trung tâm như thành phố, thị xã, thị trấn, đến nay đã có hàng chục cơ sở dạy bơi cho trẻ, ngoài ra còn có các lớp dạy bơi tình nguyện, miễn phí ở một số vùng nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trẻ em được học bơi vẫn chưa nhiều và hiệu quả các khóa học chưa cao.
Chị Bùi Thị Hà (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mấy hè vừa rồi, tôi đều cho con đi học bơi nhưng do trên địa bàn thành phố có ít bể bơi, số cháu đi học bơi đông nên hiệu quả không cao, con vẫn chưa bơi thành thạo. Học rồi, việc luyện tập thường xuyên cũng không thuận lợi nên khi vận dụng thực tiễn sẽ lúng túng”.
Đuối nước ở trẻ em đang khiến cộng đồng hết sức đau lòng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, những giải pháp các ngành chức năng, địa phương, đơn vị đưa ra nhằm phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ nói chung, đuối nước nói riêng chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, ý thức cảnh giác, phòng tránh trong mỗi gia đình chưa cao; kiến thức về phòng tránh hiểm họa đuối nước và kỹ năng xử lý khi xảy ra đuối nước còn yếu.
Theo ngành chuyên môn, thời gian tới, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Bên cạnh đó, chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho cán bộ các ngành, địa phương về phòng chống đuối nước. Đặc biệt, cần quan tâm trang bị những kỹ năng sống và giám sát cho các bậc phụ huynh - những người trực tiếp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phụ huynh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.