Âm vang mùa khai trường…

(Baohatinh.vn) - Có một mùa không bắt nguồn từ thời tiết mà bắt nguồn bằng một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời con người. Đó là mùa khai trường. Hẳn rằng cũng vì thế mà đây là mùa trong cùng một lúc được nhiều người nhớ đến nhất, dành sự quan tâm đặc biệt nhất để ghi nhớ và nhung nhớ…

Một sáng mùa thu ngang qua ngôi làng trên núi, tôi chợt nao nao khi nghe vang lên từ ngôi trường nhỏ tiếng trống nghi thức đội. Có lẽ các đội viên đang tập luyện chuẩn bị cho ngày khai trường sắp tới. Âm thanh của một thời thơ nhỏ, dễ đến mấy chục năm rồi, hôm nay lại trở về thật mênh mang trong lòng tôi. Và thế là bao nhiêu ký ức của mùa khai trường lại trở về bâng khuâng, bâng khuâng…

Âm vang mùa khai trường…

Một trong những trang sách học trò ngày xưa. Ảnh internet

Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng tựu trường đầu tiên của mình. Đó là buổi sáng mùa thu rất dịu, trong tôi lúc đó không có quá nhiều suy nghĩ, chỉ biết rằng, mình sắp đến một nơi thật xa ngôi nhà của mình để đi học. Mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, xuôi theo con đường đất dài hơn 3 km để đến ngôi trường xây bằng tường gạch đỏ nằm sâu trong ngôi làng bên cạnh. Thuở ấy, những đứa trẻ trong khu tập thể của tôi đều đến trường bằng cách ấy. Và tất cả đều ở lại mà không có sự đồng hành của người thân vì bố mẹ còn bận đi làm.

Âm vang mùa khai trường…

Những mùa tựu trường trở về khiến bao người rưng rưng nhớ lại một thuở hoa niên. Ảnh internet

Đón chúng tôi là những cô giáo làng mái tóc đã hoa râm. Khi tiếng trống khai trường vang lên thì những tiếng khóc ròng đòi mẹ của một vài bạn bỗng nhiên nhỏ lại rồi ngưng dần trong những tiếng thút thít. Trên sân trường lúc ấy có một cột cờ được làm bằng cây tre lớn. Cây tre tuy đã nâu thẫm và có nhiều đường nứt lớn nhưng lá cờ thì rất mới. Tôi không còn nhớ nhiều chi tiết nữa nhưng vẫn nhớ rõ, lúc đó tôi đã đứng ngắm say sưa hình ảnh lá cờ đỏ tung bay trong tiếng hát Quốc ca của các anh chị khóa trên. Tâm hồn non nớt của tôi lúc đó không có nhiều liên tưởng nhưng giờ nghĩ lại, tôi chắc chắn rằng, mình đã biết yêu Tổ quốc một cách rõ ràng từ giây phút ấy.

Sau này, khi lớn lên, tôi đã rất nhiều lần đứng hát Quốc ca dưới lá cờ đỏ thắm trong nhiều dịp đặc biệt như lễ kết nạp vào các tổ chức Đoàn, Đảng hay cùng bạn bè cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ trên boong tàu của hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Dịp nào cũng thật thiêng liêng, thật xúc động nhưng tôi không bao giờ có lại cảm xúc sáng trong, trọn vẹn của buổi chào cờ trong ngày khai trường đầu tiên của cuộc đời mình nữa.

Âm vang mùa khai trường…

Hình ảnh lễ chào cờ trong lễ khai giảng ngày xưa. Ảnh internet

Cách đây một tuần, rất nhiều cậu bé, cô bé hân hoan theo bố mẹ đến trường, bắt đầu “tuần 0” của một giai đoạn học tập mới. Đó là hoạt động đổi mới của ngành giáo dục dành cho học sinh lớp một, giúp các em đỡ bỡ ngỡ hơn khi đến ngôi trường mới. Tuy chỉ là hoạt động tựu trường nhưng các thầy cô cũng tổ chức với đầy đủ nghi thức, không khác gì lễ khai giảng. Bởi vậy, trên sân trường cũng có đủ những cung bậc cảm xúc của ngày khai trường.

Âm vang mùa khai trường…

Trong ngày tựu trường của học trò lớp 1 cũng có đủ những cung bậc cảm xúc của ngày khai trường.

Đó là niềm rưng rưng của các cô giáo khi đón chào lứa học sinh thơ dại mới; là nỗi lo lắng dâng lên trong ánh mắt, trên gương mặt những ông bố, bà mẹ lần đầu tiên đưa con đến trường; là ánh mắt ngây thơ và cả những giọt nước mắt ngơ ngác, có phần sợ hãi của các cô cậu học trò nhỏ. Tôi đồ rằng, trong giờ khắc đó, cả cô giáo lẫn phụ huynh đều nhớ về ngày khai trường đầu tiên của mình. Và tôi cũng chắc rằng, kỷ niệm của ngày tựu trường này cũng sẽ nằm lại mãi mãi trong ký ức của những cô bé, cậu bé lớp một, giống như tôi của ngày xưa vậy.

Âm vang mùa khai trường…

Kỷ niệm của ngày tựu trường này cũng sẽ nằm lại mãi mãi trong ký ức của những cô bé, cậu bé lớp một.

Mùa khai trường, đâu chỉ có niềm háo hức của học trò, nỗi bâng khuâng của cha mẹ mà còn có tâm tình mênh mang của thầy cô. Bắt đầu một mùa khai trường mới, dẫu ở những vùng miền khác nhau nhưng các giáo viên đều chung một niềm mong mỏi. Họ đều có những sửa soạn của riêng mình để đón lứa học sinh mới, để tiếp tục hành trình “chèo đò” với lứa học sinh cũ. Và người thì tỉ mẩn lựa chọn mua cho mình những chiếc cặp, cuốn sổ thật đẹp; người thì tìm thêm những cuốn sách hay để làm phong phú bài giảng của mình; người thì chọn cách trang trí thật đẹp lên chiếc bảng trong buổi đầu lên lớp…

Đặc biệt là những giáo viên lớp một, họ cũng đầy hồi hộp và lo âu khi nhận nhiệm vụ dìu dắt lứa học trò mới. Nhìn các em thế nào, dắt tay các em ra sao, nói với các em điều gì… những việc tưởng như lặp đi lặp lại bao nhiêu năm mà nay vẫn như thật mới mẻ… Bởi vậy, tiếng trống khai trường với họ thật đặc biệt, đó thực sự là âm thanh giòn giã, khởi đầu cho một hành trình mới cần nhiều tâm huyết và trí lực…

Âm vang mùa khai trường…

Nhiều giáo viên chào đón năm học mới bằng cách trang trí thật đẹp những chiếc bảng trên sân trường và trong lớp học.

Mỗi mùa khai trường, khi nắm bàn tay bé nhỏ của con gái bước qua cổng trường rợp ngời hoa lá, khi tiếng trống khai trường dội vào tim, làm thành những nhịp đập hồi hộp, tôi lại nhớ những buổi học đầu tiên của mình.

Tôi đã lớn lên bằng những bài học về đất nước, về tình yêu Tổ quốc trong câu chuyện của bà tôi, cha mẹ tôi và đã tận tường những bài học đó, phát triển nó thành ý thức, trách nhiệm, khát vọng của bản thân qua những dìu dắt của thầy cô. Bao nhiêu thế hệ học trò cũng đã lớn lên bằng hành trình ấy; đã được nuôi dưỡng ước mơ và thắp sáng khát vọng dựng xây, kiến thiết đất nước bằng tiếng trống khai trường rộn rã, bằng âm thanh vang lên trầm hùng dưới lá cờ Tổ quốc của bài hát Quốc ca, bằng tiếng giảng bài của thầy cô…

Tháng 9 đã về và mùa tựu trường mới lại mở ra thật nhiều xúc cảm, thật nhiều lý tưởng, thật nhiều hoài bão… Ngọn gió mát lành của mùa thu đang gieo vào lòng người thật nhiều niềm tin tưởng… Và lớp lớp học sinh lại chờ nghe tiếng trống khai trường, để chính thức bắt đầu một hành trình mới với những khát vọng của thời đại…

Chủ đề CHÀO NĂM HỌC MỚI

Đọc thêm

Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…