Ấn Độ điều 130.000 nhân viên an ninh bảo vệ hội nghị G20

Khoảng 130.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai khi Ấn Độ đón tiếp các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới tại hội nghị G20 ở New Delhi tháng này.

“Đây là một khoảnh khắc lịch sử và quan trọng”, Dependra Pathak, ủy viên đặc biệt của Sở Cảnh sát Delhi, người chịu trách nhiệm sắp xếp an ninh trong thành phố, ngày 1/9 cho biết. Vì thế, hàng nghìn nhân viên từ các cơ quan an ninh khác của chính phủ, như Lực lượng An ninh Biên giới bán quân sự, cũng sẽ được điều động nhằm duy trì luật pháp và trật tự.

“Để ngăn chặn các cuộc biểu tình và tụ tập, chúng tôi sẽ duy trì hiện diện đầy đủ và mạnh mẽ của cảnh sát”, ông nói. Thủ đô Ấn Độ sẽ được bảo vệ bởi khoảng 130.000 nhân viên an ninh, trong đó 80.000 người đến từ lực lượng cảnh sát Delhi.

Nhân viên an ninh tuần tra tại trung tâm hội nghị Bharat Mandapam của Pragati Maidan, thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hôm 23/8. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên không quân Ấn Độ cho hay họ sẽ “triển khai các biện pháp toàn diện” để bảo vệ vùng trời New Delhi và các khu vực lân cận.

Theo ông, quân đội Ấn Độ cùng với cảnh sát Delhi và lực lượng bán quân sự sẽ triển khai các hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) để ngăn chặn mọi mối đe dọa từ trên không. Khoảng 400 lính cứu hỏa cũng sẽ được điều động.

Các phòng kiểm soát an ninh sẽ được thiết lập tại địa điểm sự kiện ở trung tâm hội nghị kiêm triển lãm Bharat Mandapam thuộc khu Pragati Maidan. Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp an ninh đặc biệt đã được bố trí tại các khách sạn quan trọng như khách sạn ITC Maurya, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu trú.

Các quan chức cho biết xuyên suốt thời gian hội nghị, những ngả đường tiếp cận thành phố sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Chính phủ còn lên kế hoạch đóng cửa một phần trường học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong ba ngày.

Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9, sẽ có một danh sách những khách mời cấp cao nhất mà Ấn Độ từng đón tiếp, từ Tổng thống Mỹ Biden đến Thủ tướng Anh Rishi Sunak hay Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman. Tuy nhiên, các nguồn tin ở New Delhi và Bắc Kinh cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không dự sự kiện.

Các lãnh đạo từ Nhật Bản, Australia, Pháp và Đức dự kiến có mặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang phải đối mặt với những chỉ trích từ phương Tây vì cuộc xung đột ở Ukraine, cho biết ông sẽ cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đại diện.

Những quan chức đứng đầu Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sẽ tham dự.

Thủ tướng Narendra Modi đã biến nhiệm kỳ chủ tịch G20 kéo dài một năm của Ấn Độ thành sự kiện quốc gia, với các cuộc họp của nhóm được tổ chức ở những địa điểm quan trọng, như bang Arunachal Pradesh xa xôi hay thành phố Srinagar ở Kashmir.

Trong năm qua, các con đường, sân bay, bến xe buýt, công viên, nhà ga, văn phòng chính phủ và phương tiện truyền thông Ấn Độ luôn tràn ngập quảng cáo về G20.

Hồi tháng 7, ông Modi đã khánh thành địa điểm họp thượng đỉnh ở thủ đô trị giá 300 triệu USD, một tòa nhà hình vỏ ốc xà cừ có sức chứa hơn 3.000 người. Chính phủ cũng thuê 20 xe limousine chống đạn với chi phí 2,18 triệu USD để đưa đón các lãnh đạo quốc tế.

G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế thế giới.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói