Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Bệnh nhân đột quỵ não cần chủ động điều trị, phục hồi chức năng sớm!

(Baohatinh.vn) - Theo tổng hợp của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh, hiện nay, hơn 50% bệnh nhân điều trị nội trú là do các di chứng từ đột quỵ não như: liệt, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức… Các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh cần chủ động điều trị phục hồi chức năng sớm sau đột quỵ để nâng cao khả năng hồi phục.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Bệnh nhân đột quỵ não cần chủ động điều trị, phục hồi chức năng sớm!

Bác sỹ chăm sóc phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị di chứng sau đột quỵ.

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não do giảm hoặc mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu trong nhu mô não dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não.

Bác sỹ Phạm Thị Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh cho biết: “Đột quỵ não là bệnh xảy ra đột ngột, dễ để lại di chứng như: liệt, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức... Do đó, phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp đối với người bệnh đột quỵ có tác động đến tính mềm dẻo của não, thúc đẩy cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tàn tật, dự phòng sớm các biến chứng đột quỵ, phòng đột quỵ tái phát”.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh đón tiếp từ 450 đến 550 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, trong đó, bệnh nhân điều trị nội trú chiếm 50%. Theo tổng hợp từ bệnh viện, hơn 50% bệnh nhân điều trị nội trú là do các di chứng sau khi bị đột quỵ não, đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng lâu dài và liên tục.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Bệnh nhân đột quỵ não cần chủ động điều trị, phục hồi chức năng sớm!

Trên 50% bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh là do các di chứng từ đột quỵ não.

Bệnh nhân N.T.L (huyện Nghi Xuân) bị đột quỵ hơn 2 năm với tình trạng liệt nửa người bên trái, lệch trục cổ chân trái, co rút nửa người bên trái, teo cơ, cứng khớp, tắc tĩnh mạch sâu ở chân trái.

"Bị đột quỵ trong thời gian bùng phát dịch bệnh COVID-19 nên sau điều trị đột quỵ tôi về nhà, không đi điều trị các di chứng mà tự thuê người tập. Tuy nhiên, sau một thời gian bệnh vẫn không tiến triển nhiều nên tôi mới xuống Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh để nhập viện điều trị nội trú” - chị L. chia sẻ.

Còn đối với bà T.T.H (huyện Thạch Hà), sau một cơn đột quỵ đã để lại nhiều di chứng như: liệt nửa người bên phải, đi lại phụ thuộc vào xe lăn, đại tiểu tiện phụ thuộc vào người nhà. Điều kiện kinh tế khó khăn nên sau khi điều trị đột quỵ, gia đình đã đưa bà H. về nhà tự chăm sóc. Do nằm lâu một chỗ nên bà H. xuất hiện các vết loét da, nhiều di chứng diễn biến nặng. Hiện nay, bà đã được gia đình đã đưa vào Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh để vừa điều trị các vết loét, vừa từng bước phục hồi các chức năng do đột quỵ.

Hiện nay, tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh có đến gần 40% bệnh nhân nhập viện sau đột quỵ với nhiều biến chứng nghiêm trọng như: loét da do tì đè, tắc tĩnh mạch sâu ở chân, nhiễm trùng đường tiết niệu, teo cơ, cứng khớp, rối loạn thần kinh thực vật... làm cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Bệnh nhân đột quỵ não cần chủ động điều trị, phục hồi chức năng sớm!

Bệnh nhân sau đột quỵ được cán bộ y tế luyện tập PHCN bằng phương pháp vận động trị liệu.

“Để giảm thiểu các biến chứng thì bệnh nhân sau đột quỵ cần phải tiến hành phục hồi chức năng sớm, từ 24h đến 48h đầu sau đột quỵ khởi phát và phải kiên trì luyện tập. Quá trình phục hồi chức năng cần kéo dài liên tục trong thời gian ít nhất 6 tháng, tùy theo mức độ bệnh, cũng có thể kéo dài thời gian hơn và phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa PHCN.

Ngược lại, với những bệnh nhân tiến hành phục hồi chức năng muộn hoặc không kiên trì dẫn đến xuất hiện thêm nhiều biến chứng thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém về kinh tế, hiệu quả điều trị không cao” - bác sỹ Phạm Thị Phương cho biết thêm.

Bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo: Bệnh nhân đột quỵ não cần chủ động điều trị, phục hồi chức năng sớm!

Bác sỹ Bệnh viện PHCN áp dụng kỹ thuật từ trường xuyên sọ điều trị tai biến mạch máu não.

Để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh hiện đang triển khai nhiều phương pháp luyện tập như: vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu... Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để điều trị cho người bệnh như: máy đo loãng xương, máy lưu huyết não, máy đo điện thần kinh cơ…; ứng dụng từ trường, điện cơ trong điều trị; triển khai hiệu quả xưởng chỉnh hình, kỹ thuật tập nuốt; mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ cho người nhà bệnh nhân.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo phòng bệnh đột quỵ và phòng đột quỵ tái phát:

Đối với bệnh nhân sau đột quỵ cần thay đổi lối sống, bỏ hút thuốc, ăn giảm muối, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, đường máu, mỡ máu…

Đối với những người trung niên, người cao tuổi không bị các bệnh nền thì cần duy trì huyết áp ≤ 130/85 mmHg; có chế độ sinh hoạt, luyện tập, làm việc hợp lý, khoa học; ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín, hạn chế ăn mặn, đồ ăn sẵn, mỡ động vật, thịt phủ tạng, rượu, bia, bỏ thuốc lá…

Với những người có các bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ngoài các chỉ dẫn như trên, cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ, khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp hằng ngày, duy trì huyết áp < 140/90 mmHg.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.