Bác sỹ Khánh - sống là để cho đi...

(Baohatinh.vn) - Tôi muốn gọi em bằng cái tên như chính em tự xưng với mọi người: Bác sỹ Khánh. Đó chính là em nhưng cũng đã trở thành thương hiệu tự bao giờ - người bác sỹ trẻ quê Hà Tĩnh luôn dành tâm huyết cho bệnh nhân và sức khỏe cộng đồng, luôn tâm niệm “Sống là cho đi”...

bac sy khanh song la de cho di

BS Khánh trao hỗ trợ của Quỹ cho bệnh nhi nghèo chuẩn bị phẫu thuật lần thứ 10 ở Bệnh viện Việt Đức.

Khánh quê ở Hà Tĩnh. Năm lên 6 tuổi, em được ông bà nội đón về nuôi và lớn lên trong tình yêu thương của ông bà. Năm lớp 11 (Trường THPT Cẩm Bình), em đạt thủ khoa môn Sinh học kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.

Những ngày mùa đông năm ấy, cùng chiếc xe đạp Thống Nhất và đôi ủng, Khánh chăm chỉ ngày ngày đạp xe từ xã Thạch Bình ra trường chuyên tỉnh để ôn luyện. Sáng học ở trường, trưa ăn tạm ổ bánh mỳ rồi lên trải báo trên tầng 2 chợ tỉnh (chợ mới xây tầng 2 nên chưa có người buôn bán) ngồi học bài, chiều lại vào trường học tiếp.

Khánh luôn khác biệt với các bạn trong nhóm, bởi các bạn đi dép bitis, đạp xe mini Nhật, còn em luôn đi ủng, lúc nào cũng nhuộm màu đỏ biên hòa. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học năm ấy, Khánh đã giành kết quả cao nhất toàn đội. Em đạt giải ba, đủ điều kiện tuyển thẳng vào các trường đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Ban đầu, Khánh định theo ngành sư phạm, vì em muốn theo nghiệp người thầy giáo bộ môn Sinh học mà em ngưỡng mộ. Tuy nhiên, một hôm, thấy người đi bộ bên đường, Khánh dừng lại hỏi có đi nhờ xe không… Và, câu chuyện giữa em với người đi nhờ xe đã làm em thay đổi.

“Đó là một bà cụ. Em hỏi bà đi đâu? Bà nói lên bệnh viện tỉnh chăm con trai bị tai nạn. Đã bán một con trâu chữa bệnh cho con rồi mà chưa đâu vào đâu, giờ lúa cũng phải bán hết. Thế là em nghĩ hay mình chọn nghề y, vì theo nghề này sẽ giúp được nhiều người hơn, nhất là người nghèo” - Khánh nói.

Nghĩ vậy, Khánh đã đạp xe một mạch từ bệnh viện tỉnh đến nhà thầy giáo nói luôn ý nghĩ và được thầy ủng hộ.

bac sy khanh song la de cho di

BS Khánh chụp ảnh cùng gia đình bệnh nhi tại đêm nhạc ra mắt "Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo" tại Hà Tĩnh vào tối 9/12 vừa qua

“Trong buổi đầu chào Y1, thầy hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội nói: “Các bạn vào đây đều là những người xuất sắc, có những bạn đã đạt giải quốc tế, quốc gia, là thủ khoa các kỳ thi nhưng phải nhớ, tất cả hào quang phải bỏ lại phía sau. Điểm xuất phát của bác sỹ là số 0”, Khánh nhớ lại.

Ngày Khánh đi nhập học, ông nội cũng đã dặn dò phải cố gắng để được kết nạp Đảng nên em càng có ý thức phấn đấu hơn. Đến năm thứ 5 đại học, Khánh chính thức được kết nạp vào Đảng. Sau tốt nghiệp, Khánh tiếp tục học nội trú. Năm 2011, Khánh chính thức nhận công tác tại Khoa Cột sống, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.

Bác sỹ Khánh chia sẻ: Là một phẫu thuật viên ở một bệnh viện ngoại khoa lớn của cả nước, mỗi ngày, bác sỹ chứng kiến và trực tiếp tham gia phẫu thuật cho rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh thực sự khó khăn, không lối thoát... Hình ảnh bệnh nhân đau đớn và nỗi lo lắng, bất lực của người nhà luôn ám ảnh. Vì vậy, bác sỹ luôn đau đáu phải tìm một giải pháp để có thể hỗ trợ được phần nào những mảnh đời không may mắn.

Trước đây, bác sỹ Khánh thường nhờ báo chí viết bài kêu gọi cho từng trường hợp nhưng cách này không tạo được tính chủ động, không bền vững, vì vậy, Khánh đã sáng lập Quỹ Phẫu thuật bệnh nhân nghèo. Quỹ ưu tiên cho trẻ em. Cùng với hỗ trợ bệnh nhân nghèo phẫu thuật, tới đây, bác sỹ Khánh sẽ hoàn thiện hơn các “kênh” youtube, website, facebook của mình để trở thành những địa chỉ cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khỏe và tư vấn về khám chữa bệnh...

Sống là cho đi… Tôi tin, bác sỹ Khánh đã và sẽ luôn hành nghề trong sự vô tư và thân thiết như chính bác sỹ đã trải lòng: “Với quan điểm hiện đại, ngành y xem bệnh nhân là khách hàng nhưng với bác sỹ Khánh thì họ là những mảnh đời cần thấu cảm. Phải hiểu được nỗi đau mới chia sẻ được nỗi đau…”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Đồ ăn vặt “nội địa Trung” xuất hiện ngày càng phổ biến ở các chợ mạng, quầy tạp hóa tại Hà Tĩnh nhưng phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Người mang ánh sáng trở về

Người mang ánh sáng trở về

Với bác sĩ chuyên khoa II Võ Tá Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh, ca phẫu thuật không chỉ là nhiệm vụ y khoa, mà còn là một hành trình giúp bệnh nhân “nhìn lại cuộc đời” theo đúng nghĩa đen.
Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Trung tâm Xạ trị kỹ thuật cao - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày viết nên những câu chuyện hồi sinh từ lòng tin, từ nội lực ngành y tế địa phương và từ sự đồng hành của y học hiện đại.
"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

Chữa bệnh không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thế nhưng cơ sở khám, chữa bệnh của ông Dương Văn Ngọ (ở xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên hoạt động. Câu hỏi đặt ra là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của địa phương, ngành chức năng vì sao chưa phát huy hiệu quả?