Bà Nguyễn Thị Thanh (78 tuổi, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) được người nhà đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, chóng mặt, nôn nhiều và liệt nửa người. Qua đo huyết áp cho thấy mức huyết áp của bà Thanh tăng cao 200/140mmHg.
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, bà Thanh có tiền sử tăng huyết áp từ mấy năm nay, mỗi sáng phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, hôm nay quên uống thuốc nên xảy ra tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột. Được biết, năm 2020, bà Thành cũng từng phải nhập viện điều trị do quên không uống thuốc.
Bác sỹ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho 1 bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Còn bệnh nhân Lê Minh Hùng (67 tuổi, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) vừa phải vào Trung tâm Y tế huyện Can Lộc điều trị trong tình trạng mệt mỏi, nói khó, khó vận động, cơ thể tím tái. Khi các bác sỹ thăm khám thì phát hiện huyết áp tăng cao 180/130mmHg, cũng rất may bệnh nhân được được đến bệnh viện kịp thời nên chưa xảy ra tai biến đáng tiếc.
Đó là 2 trong rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp, gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: “Hiện nay, tại Khoa Tim mạch, mỗi ngày có từ 45 - 50 bệnh nhân tăng huyết áp vào điều trị nội trú, trong đó hầu hết là người trên 60 tuổi. Qua thăm khám cho thấy, 70% bệnh nhân có tiền sử bệnh cao huyết áp từ trước, số còn lại số bệnh nhân mới nhập viện điều trị lần đầu. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý tiến triển âm thầm, có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau và có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong. Các biến chứng thường gặp là cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, phù, suy thận và một số biến chứng về mắt, mạch máu…".
Các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho những người mắc các bệnh nền như: huyết áp, tim mạch...
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tăng huyết áp, trong đó nhiều người nhập viện diễn biến bệnh rất nặng do chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ hoặc không uống thuốc theo chỉ định. Vì thế, chỉ cần huyết áp tăng một chút cũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết não, tai biến mạch máu não.
Theo các chuyên gia y tế, người được cho là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu trên hoặc bằng 140mmHg và huyết áp tâm trương trên hoặc bằng 90mmHg. Phần lớn những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp có thể kiểm soát được nếu có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh.
Hiện nay, biện pháp duy nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp là đo huyết áp thường xuyên, nhất là khi có dấu hiệu nghi ngờ. Việc phát hiện sớm tăng huyết áp để điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng, ngăn chặn tiến triển của biến chứng, di chứng bệnh tật phức tạp.
Người lớn tuổi nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với những lứa tuổi khác.
“Với những nguy hiểm của tăng huyết áp nên mọi người cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân bằng cách thường xuyên đo huyết áp, ít nhất 3 lần/tuần, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, có lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, làm việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ, chế độ ăn giảm muối, mỡ động vật, thức ăn chứa nhiều cholesterol; ăn nhiều rau, quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Hạn chế dùng các chất kích thích rượu, bia, cà phê, thuốc lá và thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao…
Đặc biệt, mỗi người phải kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các loại bệnh tật. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình để phòng chống những biến chứng nguy hiểm từ tăng huyết áp” - Bác sỹ Phạm Hữu Đà khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của bác sỹ, người dân, nhất là người lớn tuổi cần có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, tăng cường vận động.
Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã khám sàng lọc cho hơn 350.000 lượt người, phát hiện hơn 40.000 trường hợp tăng huyết áp. Tất cả đều đã được quản lý, điều trị theo đúng phác đồ tại các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh và 216 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, việc điều trị bệnh ngay tại trạm y tế giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí do không phải đi xa, mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi và cán bộ y tế cũng có thể tư vấn, quản lý, theo dõi người bệnh điều trị dễ dàng hơn. |