Bao giờ thông tuyến cao tốc Bắc - Nam?

Việc khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được tổ chức đồng loạt cùng lúc 12 dự án (trong đó có các dự án qua Hà Tĩnh). Đó là nhiệm vụ rất khó nhưng mang lại nhiều lợi ích.

Với việc đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần giai đoạn 2 vào ngày 1/1/2023, cộng với việc 9 dự án thành phần giai đoạn 1 đang gấp rút hoàn thành, đại dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được nối thông vào năm 2025.

Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn ngành GTVT để phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000km cao tốc.

Sẵn sàng thi công ngay sau lễ khởi công

Bao giờ thông tuyến cao tốc Bắc - Nam?

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường nút giao cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày 16/7/2022. Ảnh: Huỳnh Như

Những ngày cuối năm 2022, Ban điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh vẫn ngược xuôi hoàn thiện những thủ tục cuối cùng cho lễ khởi công dự án vào ngày 1/1/2023.

Gắn bó với hành trình triển khai dự án từ tháng 2/2022, ông Phạm Văn Đua, Phó giám đốc Ban điều hành dự án không giấu được niềm vui khi đoạn tuyến dài gần 50km sắp được chính thức khởi động.

Từ ngày 20/12, máy móc, thiết bị đã được huy động vào hiện trường san gạt mặt bằng phục vụ lễ khởi công tại khu vực nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khí thế triển khai dự án cũng đã sẵn sàng khi hiện tại, các nhà thầu huy động khoảng 30 thiết bị tập kết sẵn ở công trường để triển khai thi công trên phạm vi mặt bằng đã được bàn giao ngay sau lễ khởi công.

Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, sau khi ký kết hợp đồng đến nay, Phương Thành Tranconsin đã huy động vào dự án Vũng Áng - Bùng khoảng 25 đầu máy, thiết bị. Sau lễ khởi công, máy móc, thiết bị sẽ được điều chuyển ngay đến vị trí có thể thi công được.

Trong khi đó, tại dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện đơn vị cũng đã sẵn sàng nguồn lực thi công dự án.

Bên cạnh lên kế hoạch thi công ngay đường công vụ tiếp cận công trường, Đèo Cả cũng đã cử cán bộ phối hợp với Ban QLDA 2, cơ quan liên quan của địa phương để xúc tiến việc bàn giao, tiếp nhận mặt bằng, đặc biệt là các đoạn xung yếu; cử người phối hợp thúc đẩy các thủ tục bàn giao mỏ vật liệu, đảm bảo đủ điều kiện triển khai thi công ngay sau khởi công.

Với lợi thế có 33 đơn vị đầu mối trên toàn quốc, sở hữu hơn 1.000 máy móc, thiết bị và 4.000 nhân lực, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, ngay sau khi được lựa chọn là nhà thầu tham gia thi công xây lắp các dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Cần Thơ - Hậu Giang, đơn vị đã khẩn trương huy động thiết bị (máy đào, máy ủi, ô tô), xây dựng lán trại.

“Rút kinh nghiệm ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thời gian chuẩn bị, lập bản vẽ thi công kéo dài 3 - 4 tháng, ở giai đoạn 2, bản vẽ thi công đã được làm từng hạng mục nhỏ, duyệt đến đâu triển khai ngay đến đó, không để lãng phí thời gian sau khởi công”, ông Ngọc nói.

Rốt ráo GPMB, bố trí tái định cư

Bao giờ thông tuyến cao tốc Bắc - Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo công tác hoàn thiện cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 21/12. Ảnh: Xuân Huy

Theo báo cáo của các Ban QLDA, tính đến ngày 27/12/2022, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 516,31/721,16km tuyến chính.

Một số địa phương có tỷ lệ bàn giao cao như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 22/12, đã cơ bản bàn giao đủ 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Có khoảng 3.082 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, có 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 21 xã; các địa phương dự kiến bố trí 27 khu tái định cư với diện tích hơn 75ha.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, tiến độ GPMB đã đáp ứng theo yêu cầu, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp. Vì vậy, thời gian tới tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần bám sát để đốc thúc tiến độ. Về GPMB các khu tái định cư, tỉnh đang đốc thúc các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các dự án để sớm thi công.

Tại Hà Tĩnh, với việc bàn giao 81,3% khối lượng mặt bằng, Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá làm tốt công tác này. Ông Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, về công tác tái định cư, toàn tỉnh có 26 khu, trong đó có 8 khu đã trình sở Xây dựng tỉnh phê duyệt.

Tại Khánh Hoà, dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang nằm trọn trên địa phận tỉnh, có chiều dài 83,35km. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng. Công tác chi trả, đền bù đạt 82% kế hoạch năm 2022.

Tại buổi làm việc với Ban QLDA 7 và các huyện có cao tốc đi qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với phần diện tích còn lại để đảm bảo hoàn thành các khối lượng công việc, bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công theo yêu cầu của Chính phủ.

Với dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, theo Ban QLDA 7, hiện tại tổng diện tích mặt bằng mới được bàn giao 54,06% diện tích cần thu hồi.

Tại Hậu Giang, dự án đi qua địa bàn có chiều dài hơn 63km, ảnh hưởng 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện. Đến nay, địa phương đã lập và phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 1.998 hộ dân, chiếm khoảng 96% diện tích với kinh phí bồi thường hơn 1.130 tỷ đồng.

Địa phương đã bàn giao hơn 80% mặt bằng cho dự án. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để dự án được triển khai nhanh nhất.

Lập tiến độ triển khai chi tiết

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức một lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Thách thức là rất lớn, song lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng khẳng định, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 bước đầu đạt được nhiều kết quả chưa từng có trong lịch sử ngành GTVT.

Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường để thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 44. Chỉ một tháng sau, Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết của Quốc hội được Chính phủ ban hành. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành.

“Đây là điều chưa từng có tiền lệ đối với các dự án giao thông trước đó”, ông Tiến nói và cho biết, Nghị quyết 18 của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội và đã cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để bứt tốc thủ tục đầu tư.

Cho đến nay, toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Trong đó, 14/25 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12/2022.

Ngày 1/1/2023, 12 gói thầu đầu tiên đồng loạt khởi công. 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành các thủ tục, tổ chức thi công trước Tết Quý Mão (yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023).

“Cao tốc Bắc - Nam có thể đáp ứng đúng tiến độ khởi công có sự nỗ lực rất lớn của 12 địa phương dự án đi qua trong việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Đây cũng là kết quả rất đáng được khích lệ, chưa một dự án giao thông lớn nào trong nửa năm, tỷ lệ bàn giao mặt bằng lớn như vậy”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Liên quan đến kế hoạch triển khai giai đoạn 2, theo ông Tiến, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT phải tổ chức triển khai dự án ngay sau lễ khởi công, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ tham mưu Bộ GTVT ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lập tiến độ triển khai chi tiết, trong đó có kế hoạch huy động nhân lực, thiết bị. Đồng thời, phải khẩn trương tiếp cận, rà soát phát hiện điểm nghẽn để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

“Mấu chốt để dự án thành công là mặt bằng, vật liệu, bãi đổ thải phải được đảm bảo. Nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng được tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết, xác định các hạng mục mang tính quyết định. Chỗ nào có công địa, mặt bằng, chỗ đó phải được tổ chức thi công ngay. Dự án muốn đảm bảo tiến độ, sự đồng hành, chia sẻ của các Bộ, ngành, địa phương vẫn đóng vai trò tiên quyết.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị tiếp tục quyết liệt vào cuộc, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, chắc chắn chất lượng, tiến độ dự án sẽ được đảm bảo”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo GTVT

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.