Hầu hết trẻ bị bại não đều rơi vào các gia đình nghèo, ở vùng xa trung tâm. Vì phải điều trị, phục hồi chức năng lâu dài ở bệnh viện nên người đi chăm sóc các em chủ yếu là bà nội, bà ngoại
Đã nhiều tháng nay, không chỉ cán bộ, viên chức Bệnh viện PHCN tỉnh mà người dân xung quanh khu vực bệnh viện đều quen với hình ảnh bà Phạm Thị Tình, ở xã Đức Liên (Vũ Quang) một mình đưa cháu đi điều trị dài ngày ở đây. Vì điều kiện gia đình quá khó khăn, có những thời điểm, bà phải tranh thủ ngoài giờ điều trị mang cháu đi ra ngoài để xin ăn.
Bà Tình trải lòng: Sinh được Hiếu ra thì mẹ cháu qua đời. Cháu bị lũm vào một phần sau đầu, đến 1 tuổi, bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận là cháu bị động kinh và bại não. Bố cháu làm nông, lại phải nuôi hai anh chị ăn học nên bà cháu cứ đưa nhau đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tính đến nay, 2 bà cháu đã ở Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh gần 2 năm liên tục. Trước đây, cháu chỉ nằm ngửa cổ ra phía sau nhưng giờ đã có thể đỡ ngồi và cũng có thể bồng nách được rồi.
Hơn 5 năm "nách" cháu đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, đến nay, bà Phạm Thị Tình đã có được niềm vui bước đầu khi bệnh tình của cháu đã tiến triển tốt hơn.
Cùng buồng bệnh với Hiếu có bé gái trông rất kháu khỉnh tên là Đặng Bình An. Đã gần 6 tuổi nhưng An mới bắt đầu chập chững tập đi. Bà Đào Thị Hoa (bà ngoại của An) là người thường xuyên chăm cháu tại bệnh viện.
Bà Hoa kể: Mẹ An sinh đôi khi mới được 7 tháng và An chỉ nặng 1,3 kg. Ban đầu thấy cháu yếu nên cứ nghĩ do sinh non nhưng đến 36 tháng tuổi vẫn không đi được nên bố mẹ mới đưa đi khám. Ra Bệnh viện Trung ương, bác sỹ kết luận là cháu bị úng thủy trong não. Cháu đã phải hai lần mổ, một lần là mổ úng thủy, còn một lần mổ căng cơ, tốn rất nhiều tiền. May mắn là cháu có chuyển biến rất nhanh.
Cháu Đặng Bình An (bên phải) là một trong số ít trẻ có sự phục hồi nhanh khi điều trị tại Bệnh viện PHCN tỉnh Hà Tĩnh.
Mỗi trẻ bị bại não đến điều trị tại Bệnh viện PHCN tỉnh đều do một nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân khó tránh nhưng cũng có những nguyên nhân do thiếu hiểu biết của người lớn. Như cháu Nguyễn Đình Anh Đức (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) sinh ra bị vàng da, mẹ cháu không hiểu biết về sự nguy hiểm của căn bệnh này nên không đưa đi bệnh viện khám. Đến lúc 4-5 tháng tuổi, thấy Đức cổ yếu, đầu cứ ngả ra phía sau và khóc thường xuyên, gia đình mới đưa đi khám và biết là cháu bị bại não. Từ đó đến giờ, cháu điều trị ở bệnh viện liên tục nhưng chuyển biến rất chậm.
Do thiếu hiểu biết của người lớn nên nhiều cháu mắc bệnh vàng da đã chuyển sang bị bãi não
Bác sỹ Nguyễn Thị Hà - Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết, bại não là một dạng khuyết tật thường thấy ở trẻ em. Những yếu tố nguy cơ cao gây ra bại não gồm: Sinh non, nhiễm rubella, đa thai, có sự can thiệp trong lúc sinh (sinh kềm, sinh hút), trẻ bị bệnh vàng da biến chứng… Ngoài những nguyên nhân trên, còn có những trường hợp trẻ bại não không có nguyên nhân rõ ràng.
Một thực tế đáng nói là số bệnh nhân bại não gần đây gia tăng rất nhanh. Năm 2017 chỉ có 20 cháu đến điều trị PHCN nhưng năm nay đã lên tới 40 cháu, trong đó, số trẻ có hiệu quả điều trị phục hồi tốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Cũng theo bác sỹ Hà, việc tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não bắt đầu càng sớm càng tốt vì sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm. Tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, cũng có trường hợp, việc luyện tập kéo dài gần như cả cuộc đời.
Bác sỹ Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho trẻ bị bại não
Cách phòng ngừa bệnh bại não bẩm sinh: - Phụ nữ khi mang thai cần phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút, Toxoplasmosis bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không thức khuya, không làm việc quá sức vì dễ bị cảm cúm. - Thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật và trước khi ăn. - Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, khi đến nơi công cộng như chợ, siêu thị, trường học… - Khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản để chuẩn bị tốt cho việc sinh nở, tránh các tai biến sản khoa như sinh non, trẻ sơ sinh bị ngạt... - Trường hợp mẹ và thai nhi bất đồng nhóm máu Rh, mà mẹ là Rh âm và con là Rh dương thì người mẹ cần tiêm Rh Immune Globulin vào tuần thứ 28 trong thời kỳ mang thai và tiêm nhắc lại một lần nữa sau khi sinh cho đứa trẻ mang Rh dương. - Chăm sóc cẩn thận, tránh các chấn thương cho trẻ nhỏ. |