Bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê liên tục sạt lở

(Baohatinh.vn) - Cứ vào mùa mưa lũ, bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đoạn qua xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại xảy ra tình trạng sạt lở.

Bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê liên tục sạt lở

Khu vực của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê từng được bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m, hiện nay là một hồ nước rộng lớn.

Trong đợt mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 28 – 31/10, bờ bao moong mỏ của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà bị sạt lở nghiêm trọng khiến lượng lớn nước từ trong hồ chảy tràn ra ngoài.

Vị trí bị sạt lở có chiều dài 12m, rộng 9m, sâu 2m. Ngay khi phát hiện sự cố, chính quyền địa phương đã huy động 2 máy xúc cùng các lực lượng nhanh chóng đắp đất, gia cố điểm sạt lở.

Với việc xử lý nhanh, sự cố sạt lở chưa gây hậu quả đáng tiếc nào. Tuy nhiên, mối nguy về sạt lở bờ bao moong mỏ của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đoạn qua xã Thạch Khê vẫn luôn rình rập.

Lý giải về việc này, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê Phan Xuân Mậu cho hay: Bờ bao moong mỏ của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được đắp đất, có chiều dài 7km qua 3 xã: Thạch Khê, Thạch Hải và Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), trong đó, đoạn qua xã Thạch Khê dài chừng 2km. Bờ bao được đắp đất nhưng là đất cát nên dễ bị rửa trôi khi gặp mưa lớn.

Bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê liên tục sạt lở

Vị trí bờ bao bị sạt lở trong đợt mưa lớn từ ngày 28 - 31/10.

Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Khê, không chỉ có đợt mưa lớn ngày 28 – 31/10 vừa qua, mà những năm trước, tại vị trí bị sạt lở cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Ngoài do yếu tố về địa chất, ảnh hưởng của thời tiết, bờ bao ở vị trí này thấp hơn so với những khu vực khác nên nước đổ về lớn, dẫn tới việc sạt lở.

“Từ năm 2020 trở lại nay, năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ bao moong mỏ của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Cách điểm sạt lở không xa có 14 hộ dân với 40 nhân khẩu của thôn Đan Khê và 20 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trường hợp việc sạt lở bờ bao tiếp tục xảy ra và không được xử lý kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng các hộ dân, vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê Phan Xuân Mậu thông tin.

Bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê liên tục sạt lở

Xã Thạch Khê huy động máy móc tiến hành xử lý vị trí sạt lở bờ bao moong mỏ Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Trước thực trạng này, những năm qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng và Công ty cổ phần sắt Thạch Khê – chủ đầu tư dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê có biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn bờ bao. Tuy nhiên, tới nay, chủ đầu tư gần như không có động thái.

“Bờ bao được đắp bằng đất cát nên khó nói trước. Cứ mỗi khi có thông tin dự báo về mưa lớn là chúng tôi lại lo lắng về việc bờ bao moong mỏ bị sạt lở”, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê Phan Xuân Mậu chia sẻ.

Bờ bao moong mỏ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê liên tục sạt lở

Bờ bao được đắp bằng đất cát nên rất dễ dẫn tới sạt lở.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu nói rằng, trước nguy cơ sạt lở bờ bao moong mỏ của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, huyện cùng với xã đã chủ động huy động máy móc, nhân lực, tiến hành khơi thông dòng chảy, đắp đất gia cố thêm các vị trí mất an toàn. Dù vậy, địa hình, địa chất không thuận lợi và tác động dòng chảy nên sạt lở vẫn xảy ra.

“Bờ bao moong mỏ nằm trong phần đất đã giao cho chủ đầu tư nên địa phương có muốn gia cố hay làm gì cũng khó. Hiện dự án đang tạm dừng, chưa rõ là sẽ được khai thác tiếp hay dừng hẳn nên việc đầu tư bờ bao kiên cố, hạn chế sạt lở, gần như không thể thực hiện được” - ông Nguyễn Văn Sáu cho biết.

Video: Bờ bao moong mỏ của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa phận 5 xã thuộc huyện Thạch Hà (Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc). Trữ lượng, tài nguyên mỏ là 554 triệu tấn. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh: 14.517,2 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất: 4.821ha, gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Diện tích TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha.

Có khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Tháng 12/2008, TIC đã thực hiện bóc đất thử nghiệm công nghệ với khối lượng 1,5 triệu m3 và định hướng công nghệ thi công. Tháng 3/2009, TIC tiếp tục bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m, với khối lượng tính đến tháng 7/2011 là 12,7 triệu m3 , thu hồi được 3 nghìn tấn quặng sắt.

TIC cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang, một số công trình hạ tầng liên vùng, giải phóng mặt bằng, xây dựng một số công trình (nhà ở, nhà xưởng, cung cấp điện, thoát nước, bảo vệ môi trường, rà phá bom mìn), mua sắm một số thiết bị, điều tra khảo sát bổ sung tài liệu địa chất mỏ.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2011 đến nay, dự án dừng triển khai thực hiện.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.