Bỏ ngỏ việc quản lý dầu nhớt thải, môi trường bị đe dọa!

(Baohatinh.vn) - Dầu nhớt thải từ các điểm sửa chữa ô tô, xe máy là chất thải nguy hại cần được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế nhưng, trên địa bàn Hà Tĩnh, quy định này gần như không… tồn tại!

Bỏ ngỏ việc quản lý dầu nhớt thải, môi trường bị đe dọa!

Việc xử lý dầu nhớt thải tại các điểm sửa chữa xe máy, ô tô vẫn chưa tuân thủ quy định của pháp luật

Dạo qua các xưởng sửa chữa xe máy, ô tô, xe tải tại TP Hà Tĩnh và vùng lân cận, điểm “nhận dạng” mỗi khi đến gần các cơ sở này là tiếng ồn phát ra do đập gõ, tiếng động cơ gầm rú; mùi khét do hàn xì, bụi sơn và cả mùi khai khai của dầu nhớt thải để lâu ngày. Ấn tượng nhất là những vết dầu mỡ loang lổ trên nền, giẻ lau dính dầu mỡ tấp đống để đưa đi đốt hoặc vứt chung với rác thải sinh hoạt…

Bỏ ngỏ việc quản lý dầu nhớt thải, môi trường bị đe dọa!

Dầu nhớt thải được "tập kết" vào thùng phuy và bán cho người thu mua

Qua trao đổi với một số chủ cơ sở sửa chữa xe máy, gara ô tô về vấn đề xử lý chất thải dầu, nhớt tại xưởng của mình, gần như tất cả vẫn đang thực hiện theo kiểu…“tiện đâu để đó”. “Dầu nhớt thải được công nhân gom lại để trong thùng phuy, lúc nào đầy thùng thì gọi người đến mua. Giá cả chẳng đáng bao nhiêu (1 thùng phuy dầu nhớt thải tương đương khoảng 200 lít được bán với giá xấp xỉ 1 triệu đồng – PV), nhưng may mà bán được không thì cũng mất công đi đổ hoặc đi cho” – một chủ cơ sở sửa xe ô tô tại hyện Thạch Hà cho biết.

Bỏ ngỏ việc quản lý dầu nhớt thải, môi trường bị đe dọa!

Việc sửa chữa, thay thế phụ tùng máy móc để dầu mỡ loang lổ trên nền đất

Cũng với hướng xử lý tương tự, anh Q. - chủ cơ sở sửa chữa ô tô tải tại TP Hà Tĩnh cho hay: “Hồi trước, có mấy người làm cốp pha mua dầu nhớt thải để bôi vào ván nhưng nay thì có người ở Vinh đến thu mua. Lúc nào đầy thùng phuy thì mình gọi họ đến lấy, còn họ mua về làm gì thì chịu”.

Theo Thông tư 36, chỉ các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại thường xuyên hay định kỳ trên 600 kg/năm thì mới phải đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Tuy vậy, những cơ sở phát sinh chất thải nguy hại dưới 600 kg/năm vẫn phải thực hiện thu gom, phân loại, xử lý theo quy định. Thế nhưng, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy nhưng hiện chưa có cơ sở nào đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại cũng như thực hiện xử lý theo quy định.

Theo quy định, việc quản lý, xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo 3 công đoạn là thu gom, phân loại và xử lý. Vì vậy, các điểm sửa chữa ô tô, xe máy có chất thải nguy hại phải thực hiện đúng theo hướng dẫn, thu gom chất thải và bảo quản đúng quy định. Cụ thể, đối với các chất thải như giẻ lau dính dầu mỡ, dầu nhớt thải... phải bảo quản, định kỳ 6 tháng có trách nhiệm báo cáo cho Sở TN&MT để hướng dẫn xử lý...

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm về xử lý dầu, nhớt thải là do nhận thức của các cơ sở. Họ chưa ý thức được mối nguy hại của chất thải này đối với môi trường và cho rằng, những chất thải từ hoạt động của các điểm sửa chữa ô tô, xe máy không nhiều nên không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở dù biết nhưng lại cố tình phớt lờ.

Để dầu nhớt thải từ các xưởng sửa chữa xe máy, ô tô không còn là nỗi “ám ảnh” của môi trường, các đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường ở những cơ sở này. Dù vậy, điều cần nhất vẫn là chủ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, tìm hiểu quy định xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ cơ sở mình để xử lý theo quy định…

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025