Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch bạch hầu tại tỉnh Thanh Hóa

Ngày 11/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát. Đến nay đã phát hiện 3 ca bệnh bao gồm một thai phụ, một em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của trường hợp tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu ở Thanh Hóa. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của trường hợp tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu ở Thanh Hóa. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Chiều 11/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Theo Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (huyện Mường Lát) đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu và nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh nêu trên.

Để chủ động chống bệnh, Cục Y tế Dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng.

Các đơn vị y tế lấy mẫu, xét nghiệm xác định ca mắc và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly y tế, xử lý ổ dịch và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị có liên quan đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Các đơn vị y tế và các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị; Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; Thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phòng, chống dịch.

Các đơn vị y tế cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đối với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục Y tế Dự phòng đề nghị theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã phát hiện 3 ca bệnh bao gồm một thai phụ, một em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ. Đến đầu giờ chiều ngày 11/8, chưa phát hiện thêm ca mới./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.