Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

(Baohatinh.vn) - Không biết tự bao giờ, mỗi dịp gần đến tháng 5 (âm lịch) người dân Thạch Hà, Lộc Hà (Hà Tĩnh) dù đi xa hay ở quê nhà đều bồi hồi mong chờ lễ hội đền Lê Khôi.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Đền thờ danh tướng Lê Khôi tại núi Nam Giới (Thạch Hải, Thạch Hà). Ảnh: Tư liệu

Tượng đài trong lòng dân

Lê Khôi (? – 1446) quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), là con trai của Lê Trừ, anh trai Lê Lợi. Ông là một trong những vị tướng kiêu hùng nhất của đội quân Lam Sơn đánh tan quân Minh giành lại độc lập dân tộc.

Về sau, bên cạnh góp nhiều công trạng khác, ông được nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ An ghi nhớ bởi những chiến công bảo vệ nhân dân khỏi giặc phương nam và cũng là người mở mang nông nghiệp, an sinh cho dân... tại vùng đất từng là biên giới phía Nam Đại Việt.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Eo biển Cửa Sót nhìn từ đền Lê Khôi

Năm 1446, sau một cuộc chiến đấu với giặc thắng lợi, trên đường trở về kinh thành, Lê Khôi bị lâm bệnh qua đời tại núi Long Ngâm và được an táng tại đây. Cảm kích trước công lao to lớn của tướng Lê Khôi, vua cho lập đền thờ và nhân dân hằng năm cúng tế, sau này gọi là Lễ hội Chiêu Trưng hay lễ hội đền Lê Khôi.

Một trưa mùa hè, dưới chân núi Long Ngâm, cụ Lê Văn Hoan, ở thôn Tân Phong (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) đã có hơn 10 năm làm người canh đền Lê Khôi kể cho tôi nghe câu chuyện của mình: “Tôi lớn lên dưới chân núi Nam Giới, 5-6 tuổi đã theo cha mẹ lên viếng đền. Thuở ấy, trong tâm thức của người làng tôi, ngài đã là vị thần thiêng liêng hộ mệnh cho cả làng. Chúng tôi luôn được người lớn dạy rằng, nhờ ngài, đất nước mới được thanh bình, dân Hà Tĩnh mới được như hôm nay. Ngày giỗ ngài là dịp để bày tỏ lòng tri ân đối với người đã giúp dân, giúp nước…”.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Với cụ Lê Văn Hoan, 90 tuổi, ở thôn Tân Phong (Đỉnh Bàn, Thạch Hà), việc ngưỡng vọng Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi là sự thành kính thiêng liêng nối truyền qua nhiều thế hệ.

Năm 1996, sau hơn 40 năm làm nghề dạy học, khi nghỉ hưu, cụ Hoan trở về quê. Một thời gian sau cụ tình nguyện lên làm người canh đền để được ngày đêm hương đèn bày tỏ thành kính với vị anh hùng có công với nước.

Lòng tri ân đấng tiền nhân đã hy sinh vì đất nước được cụ trao truyền cho những đứa con. Lúc sức khỏe yếu không thể lên xuống núi, 2 con cụ là ông Lê Trọng Hưng (66 tuổi) và bà Lê Thị Oanh (69 tuổi) đã nối việc cha, thường xuyên làm người công quả ở đền.

Không chỉ cụ Hoan và các con của cụ, đối với hàng nghìn người ở Lộc Hà, Thạch Hà, việc ngưỡng vọng Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi là sự thành kính thiêng liêng nối truyền qua nhiều thế hệ.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Hằng năm, vào lễ hội đền Lê Khôi, nhiều địa phương tại huyện Lộc Hà và Thạch Hà có đền thờ vọng đều tổ chức lễ rước. Ảnh: Tư liệu

Ông Lâm Văn Hiệp, 56 tuổi, một ngư dân ở thôn Phú Mậu (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “ Mỗi lần xuất bến ra khơi, đi qua đền ngài, chúng tôi thường vào thắp hương để mong ngài hộ trì cho qua cơn sóng dữ. Tôi cảm thấy niềm tin và sức oai thần của một vị thánh đã giúp đỡ chúng tôi sau nhiều hoạn nạn”.

Lễ hội đền Lê Khôi và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Hằng năm, vào các ngày 2-3/5 âm lịch diễn ra lễ hội đền Lê Khôi. Đối với nhiều người, đây là dịp lễ thiêng liêng và mong chờ. Bà Phạm Thị Xanh, 60 tuổi, ở tổ dân phố 4, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng về tham gia dâng hương ngài. Đặc biệt tôi ấn tượng với bài văn tế nêu công trạng và sự hy sinh cho đất nước của ngài Lê Khôi”.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Chị em phụ nữ xã Đỉnh Bàn - Thạch Hà trong buổi lao động vệ sinh khuôn viên đền trước ngày lễ đền Lê Khôi năm 2020.

Được biết, bài văn tế do Giáo sư Vũ Khiêu soạn là một bài tế viết theo lối văn biền ngẫu cổ, kể về cuộc đời cũng như công trạng của tướng Lê Khôi dành cho đất nước nói chung và cho xứ Hà Tĩnh nói riêng.

Trong đó đề cao chí khí, tài năng và đức độ của vị anh hùng. Đồng thời bài văn tế cũng là khúc ca bi tráng của vị tướng khi sống và linh thiêng khi mất đã hộ trì cho sự an thái của quê hương xứ sở.

Bồi hồi tưởng nhớ Chiêu Trưng…

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà, Phó Ban quản lý di tích LSVH quốc gia đền thờ và lăng mộ Lê Khôi là người đọc văn tế trong dịp lễ hội đền Lê Khôi 10 năm nay.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà - người được nhận sứ mệnh đọc văn tế trong dịp lễ hội đền Lê Khôi 10 năm nay chia sẻ: “Với tôi, đây là một nhân duyên lớn. Dịp lễ 2007, khi đó Ban tổ chức không tìm được người đọc văn tế ưng ý, mãi đến gần lễ vẫn chưa tìm ra người. Lúc đó tôi là Trưởng ban Văn hóa huyện nên được cử đọc. Khi vừa cất giọng lên, trong người tôi như thấy một luồng năng lượng, xúc cảm dâng trào”.

Dù năm nay, do dịch Covid-19, ngày giỗ Lê Khôi chỉ có phần lễ không có phần hội nhưng nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn háo hức mong chờ. Bởi, ngày giỗ vị Chiêu Trưng Lê Khôi đã trở thành ngày lễ chung báo ân của người Hà Tĩnh đối với một người có công khai sơn lập quốc, giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc.

Đền Lê Khôi được xây dựng năm 1446, sau khi danh tướng này qua đời, bên cạnh phần mộ của ông, tại núi Long Ngâm thuộc xã Thạch Hải (Thạch Hà).

Ngôi đền ngày nay vẫn còn giữ những nét kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn cùng nhiều hiện vật quý mang tính lịch sử. Hiện trên cả nước có rất nhiều đền thờ vọng tướng Lê Khôi ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.

Với những nét đặc sắc của lễ hội đền Lê Khôi, năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã quyết định công nhận “Lễ hội đền Lê Khôi” Hà Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ giỗ lần thứ 574 năm ngày mất của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22/6 đến ngày 23/6/2020 (tức ngày 2/5 đến ngày 3/5 âm lịch).

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.