BQL Dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang: Phớt lờ chỉ đạo của chính quyền!

(Baohatinh.vn) - Việc Ban Quản lý (BQL) dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (gọi là BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang) không thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quy trình, quy phạm... và cam kết môi trường tại các bãi vật liệu đã và đang khai thác phục vụ dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang càng làm cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản ở Vũ Quang thêm phần phức tạp...

Để phục vụ dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 5 bãi vật liệu đất tại xã Đức Bồng với tổng diện tích 16,89 ha, trong đó: công suất khai thác bãi vật liệu VL1 là 100.585 m3/năm với chiều sâu khai thác từ +47,7 đến +18,5m; bãi vật liệu VL2 có công suất khai thác 90.110 m3/năm với chiều sâu khai thác từ 47,5 - 17,3m.

Đến nay, việc khai thác tại 3 bãi: Đức Bồng 1, Đức Bồng 2 và Đức Bồng 3 đã kết thúc từ nhiều năm qua nhưng BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang vẫn chưa thực hiện việc hoàn trả mặt bằng, phục hồi môi trường... theo quy định của pháp luật; 2 bãi còn lại (VL1 và VL2) được UBND tỉnh gia hạn, hiện đang khai thác lộn xộn, không đúng quy trình, quy phạm, không đảm bảo an toàn, dù UBND huyện Vũ Quang đã tổ chức nhiều buổi làm việc và gửi không ít công văn kiến nghị cho cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu chấn chỉnh.

bql du an ngan truoi cam trang phot lo chi dao cua chinh quyen

Dù đã ngừng khai thác nhưng ban quản lý vẫn không hoàn trả mặt bằng, tạo sự lo lắng cho chính quyền và người dân sở tại.

Không chỉ phớt lờ trước sự quan ngại của chính quyền, người dân sở tại cũng như của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh, BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang còn bất tuân cả sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đơn cử, tại Văn bản số 3095/UBND-NL1 ngày 25/6/2015 của UBND tỉnh, gửi: BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Sở TN&MT và UBND huyện Vũ Quang, yêu cầu: “BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang tỉnh chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện việc khai thác theo đúng quy trình, quy phạm, bảo đảm cắt tầng, giật cấp phù hợp, không để tạo hàm ếch gây mất an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng; thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt...; hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường tại 3 bãi vật liệu (Đức Bồng 1, Đức Bồng 2, Đức Bồng 3), hoàn trả mặt bằng, tạo mương thoát nước, bờ bãi kết thúc khai thác tránh sạt lở; trồng cây theo quy định của Luật Bảo vệ rừng, xong trước ngày 31/12/2015, báo cáo Sở TN&MT nghiệm thu và hướng dẫn thực hiện các thủ tục giao lại đất cho chính quyền địa phương theo quy định...”.

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang bức xúc: Tính đến nay, đã hơn 1 năm kể từ khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, 3 bãi vật liệu trên vẫn chưa được cải tạo, san gạt, hoàn trả mặt bằng sau khai thác, nhiều nơi vẫn còn những mô đất cao, nham nhở, làm mất mỹ quan và chưa thực hiện việc bàn giao cho địa phương quản lý. Mặt khác, 2 bãi vật liệu VL1 và VL2 đang khai thác phục vụ đắp kênh dự án, nhưng qua quá trình khai thác, các đơn vị nhà thầu cũng không đảm bảo an toàn”.

Có mặt tại 5 mỏ đất này, đi chênh vênh bên mép nhiều vực đất sâu hoắm nối tiếp nhau chẳng khác mấy so với những hố bom thời chiến tranh... mới thấy được sự lo lắng của chính quyền và người dân sở tại là hoàn toàn có cơ sở. “Tui lo nhất là khi mấy đứa trẻ con chăn trâu bò chẳng may trượt chân rớt xuống đó thì không biết hậu quả sẽ như thế nào” - ông H. một người dân sống gần mỏ Đức Bồng 1 lo lắng.

Nỗi lo sợ của ông H. là hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi có cảm giác rùng mình khi chứng kiến cảnh mấy đứa trẻ chỉ từ 3-5 tuổi con chị Trần Thị Phúc (xóm 7, xã Đức Bồng) chơi trốn tìm dưới những “hàm ếch” khổng lồ, cao cả chục mét sát bên nhà - “sản phẩm” của việc khai thác đất bừa bãi, không đúng quy trình. Thất thần do vừa lôi mấy đứa con ra khỏi “hố tử thần”, chị Phúc nói hụt hơi: “Trước khi đưa máy đến múc đất, người ta hứa đủ điều. Đến khi khai thác xong, người, máy đều biến mất khi mô nỏ ai biết, để lại quanh nhà những hố là hố... Trời nắng thì bụi mù. Trời mưa nước chảy vô nhà. Gia đình tui phải thuê máy ngoài hết hơn triệu đồng để làm mương, đắp bờ... song vẫn lo sợ đất lở”.

Chưa hết, theo quan sát thực tế tại hiện trường ở bãi vật liệu VL1 của phóng viên Báo Hà Tĩnh, ngoài những vấn đề trên, hiện vẫn còn 1 cột điện cao thế có nguy cơ mất an toàn cao do đất sát chân cột đã bị múc sâu, không biết còn trụ được bao lâu trước sự bào mòn của mưa gió miền rừng núi. Để ngụy trang, che mắt “thiên hạ”, một ít cây keo đã được trồng lên mép ngoài của mặt bằng khai thác.

Thực tế là vậy nhưng khi được chất vấn, ông Nguyễn Hồng Lam - Phó Trưởng BQL dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang lại không nhận trách nhiệm mà đổ thừa loanh quanh, rồi cho rằng, ban đã có nhiều văn bản đề nghị nhà thầu thực hiện việc san trả mặt bằng, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, một nhà thầu tham gia tại các dự án của BQL dự án Ngàn Trươi (xin được giấu tên) bộc bạch: “Không đơn vị nào đi san lấp, hoàn trả mặt bằng... khi không có kinh phí”.

Rõ ràng, khi “ban tỉnh” không nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh đã và đang để lại nhiều hệ lụy xấu. Tỉnh và các ngành chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để buộc các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc khai thác khoáng sản.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.