Là bệnh viện có số bệnh nhân đến thăm khám và điều trị đông nhưng từ khi áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh đã không còn tình trạng ùn tắc bệnh nhân tại khu tiếp nhận và khám bệnh.
Thời gian chờ khám của bệnh nhân đã giảm hơn một nửa (trung bình một bệnh nhân được giảm từ 30 đến 60 phút). Đặc biệt, thời gian làm thủ tục xuất viện từ 1 đến 2 giờ xuống còn 15 phút.
Bệnh nhân hài lòng khi được khám chữa bệnh tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh
Bệnh nhân Nguyễn Hồng Kỳ (xã Thạch Kim, Lộc Hà) chia sẻ: “Tôi bị một số bệnh mãn tính tiểu đường, tăng huyết áp, tim nên thường lên đây để khám. Trước đây phải chờ cả buổi mới tới lượt nay chỉ còn 30 đến 60 phút. Đây thực sự là một sự đổi thay lớn của bệnh viện”.
Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Vũ - Phó Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh, phần mềm HIS không chỉ giảm thời gian chờ khám của bệnh nhân mà cán bộ y tế có thời gian để chăm sóc, tư vấn, giúp bệnh nhân và người nhà tuân thủ điều trị tốt hơn. Bệnh viện dễ dàng quản lý việc kê đơn thuốc, kiểm soát chặt chẽ thẻ BHYT khi bệnh nhân đến khám, lịch sử những lần đến khám của người bệnh…
Không chỉ BVĐK thành phố Hà Tĩnh, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh đã sử dụng phần mềm HIS hiệu quả, nâng cao sự hài lòng cho người dân.
Ứng dụng hệ thống PACS giúp các bác sỹ BVĐK tỉnh Hà Tĩnh xem kết quả trên máy tính, hình ảnh có độ chính xác cao, lưu giữ được lâu dài, hội chẩn trên toàn quốc, giảm chất thải nhựa y tế
Còn tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, tháng 2/2018, sau khi áp dụng hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa), bệnh viện đã thực hiện không in phim, nhờ đó đã giảm được chi phí mua và sửa chữa các thiết bị đọc phim, in phim, giảm bớt không gian lưu trữ, thời gian truy lục, thời gian gửi hồ sơ bệnh nhân đi giữa các phòng - ban, giữa bệnh viện với bệnh viện.
Dữ liệu hình ảnh, thông tin liên quan đến bệnh nhân được nhiều chuyên gia, bác sỹ truy cập đồng thời trên máy tính một cách dễ dàng. Bác sỹ có thể xem kết quả bất kỳ mọi lúc, trên mọi máy tính có liên kết PACS.
“Việc ứng dụng hệ thống PACS đã giảm một nửa thời gian chờ đợi của bệnh nhân ngoại trú (từ 1 tiếng xuống còn 30 phút). Các bệnh nhân nội trú sau khi chụp xong được bác sỹ trả kết quả về khoa qua hệ thống mạng. Các dữ liệu của bệnh nhân được lưu giữ lâu dài” - bác sỹ Nguyễn Đức Phú, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thông tin.
Bệnh nhân nội trú chụp CT tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh không còn phải chờ lấy kết quả, mà được bác sỹ trả kết quả về khoa
Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Tĩnh, thời gian qua, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc tiếp tục triển khai hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh. Nổi bật như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến, các phần mềm văn bản chỉ đạo điều hành của ngành và một số phần mềm phục vụ quản lý chuyên ngành (hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý y tế cộng đồng Medcomm...).
Kết quả, đến nay đã có 1.329.297 hồ sơ được khám tạo lập, cập nhật vào phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (chiếm 92,39%). Ngành Y tế cũng đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 40/132 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hơn 1,32 triệu hồ sơ đã được khám tạo lập, cập nhật vào phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử
Đặc biệt, đến nay đã có 63/63 nhà thuốc và hơn 100 quầy thuốc triển khai phần mềm kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn tỉnh. Ngành y tế cũng đã thực hiện báo cáo số liệu bằng phần mềm thống kê y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã và kết nối báo cáo số liệu cho Bộ Y tế.
Kết quả đạt được là vậy song việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp một số vướng mắc, bất cập.
Hầu hết các bệnh viện và trạm y tế chưa dùng chung phần mềm nên chưa quản lý được chặt chẽ bệnh nhân ở tuyến dưới, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp; tốc độ đường truyền chậm, hệ thống dây mạng xuống cấp, chi phí công nghệ thông tin chưa có trong cơ cấu giá…
Để hướng tới phát triển một hệ thống y tế thông minh, ngành y tế cần phải giải quyết sớm các tồn tại trên để mở đường cho các cơ sở khám chữa bệnh ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn.