Các biện pháp trừng phạt Nga làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng tăng trong G20

Những rạn nứt đã lộ rõ khi một số quốc gia từ lâu đã phản đối các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt Nga làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng tăng trong G20

Các nhân viên bảo vệ an ninh xung quanh khu vực dự kiến diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP ngày 7/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng từ một số quốc gia công nghiệp hóa và đang phát triển hàng đầu khi tác động của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Với việc các nhà lãnh đạo thế giới và các bộ trưởng tài chính gặp nhau trong tuần này tại Ấn Độ nhân hội nghị thượng đỉnh G20, những rạn nứt đã lộ rõ khi một số quốc gia từ lâu đã phản đối các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ và các đồng minh trong Nhóm G7 (các cường quốc công nghiệp) nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt và áp giá trần đối với dầu mỏ Nga đã thành công trong việc hạn chế nguồn thu của Moskva, bất chấp lĩnh vực này của Điện Kremlin vẫn tăng trưởng.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” của riêng mình. Và khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang tìm cách tăng cường sử dụng đồng nội tệ thay vì đồng đô la Mỹ (USD).

Nga và Trung Quốc đang ngày càng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng tiền này đã thay thế đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của Nga vào đầu năm 2023.

Các quốc gia BRICS cũng đã đồng ý mở rộng giao dịch bằng đồng nội tệ để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Các nhà phê bình ở các nước đang phát triển ngày càng lo lắng về khả năng Mỹ sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của đồng USD để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các đối thủ của mình, trong đó có Nga.

Năm 2015, các nước BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới như một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới do Mỹ và EU thống trị.

Do đó, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Yellen đến New Delhi, họ sẽ phải đối mặt với một môi trường kinh tế và chính trị bị chia rẽ nhiều hơn liên quan đến các cuộc đàm phán khó khăn về việc đảm bảo nguồn cung cấp lương thực và năng lượng cho các nước đang phát triển.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Yellen, chuyến đi thứ tư của bà tới Ấn Độ trong vòng chưa đầy một năm, diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen sẽ không được khôi phục cho đến khi phương Tây đáp ứng các điều kiện của Moskva liên quan đến xuất khẩu nông sản của Nga.

Tổng thống Putin nói rằng thỏa thuận vốn cam kết loại bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đã không được tôn trọng. Các quan chức Nga cũng phàn nàn rằng những hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm đã cản trở hoạt động thương mại nông nghiệp của nước này.

Rachel Ziemba, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định: “Tôi nghĩ rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau khiến G20 khó có thể phối hợp hoạt động theo cách mà họ đã làm trong quá khứ. Các yếu tố đó bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine và việc các quốc gia vũ khí hóa tiền tệ và hàng hóa".

Bộ Tài chính Mỹ cho biết chuyến đi kéo dài 4 ngày của bà Yellen sẽ nhấn mạnh đến hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thảo luận về vấn đề áp giá trần, vốn đã đạt được mục tiêu kép là “giảm doanh thu của Nga trong khi vẫn giữ giá năng lượng toàn cầu ổn định”.

Bà Yellen cũng sẽ tập trung nỗ lực vào việc tăng cường an ninh lương thực thông qua những thay đổi đối với các ngân hàng phát triển đa phương và bằng cách bổ sung thêm cho Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế. Điều đó có thể khó khăn khi các quốc gia G20 ngày càng phân chia thành các nhóm và với một số nhà lãnh đạo, ví dụ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chọn cách không tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các cuộc họp tại G20 lần này sẽ là cơ hội để làm việc theo những gì các quốc gia đã nhất trí, bao gồm các vấn đề ngân hàng phát triển đa phương và những thay đổi trong cơ cấu lại nợ.

Chuyên gia Lipsky nói: “Ấn Độ muốn thể hiện mình là nhà tập hợp thế giới vào thời điểm quốc tế bị chia rẽ. Nhưng điều này sẽ khó thực hiện hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có mặt ở đó”.

Theo báo cáo tháng 8/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, khi các hạn chế thương mại quốc tế ngày càng tăng có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7% trong dài hạn, tương đương khoảng 7,4 nghìn tỷ USD.

Chuyên gia Ziemba nêu quan điểm: “Chúng ta phải thực tế về những gì G20 có thể đạt được, nhưng tôi nghĩ sẽ có lợi khi có một diễn đàn mà nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau để chia sẻ sự khác biệt của họ”.

Các thành viên của G20 là EU, Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Theo Công Thuận/Báo Tin tức

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.