Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

(Baohatinh.vn) - 2 cơ sở y tế tuyến huyện đang gồng mình tiếp nhận, điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID-19; các bệnh viện tuyến tỉnh ở Hà Tĩnh vừa chi viện cho tuyến dưới, vừa khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để điều trị bệnh nhân nặng.

Cách ly, theo dõi hàng nghìn công dân từ các tỉnh có dịch trở về quê hương và tập trung ứng phó với tình huống có ca bệnh trong cộng đồng, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào chặng đường thử thách mới. Một lần nữa, tinh thần tình nguyện, vượt khó được khơi dậy mạnh mẽ ở tất cả các lực lượng tham gia với quyết tâm ngăn dịch bùng phát.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

2 cơ sở y tế tuyến huyện đang gồng mình tiếp nhận, điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID-19. Ở tuyến trên, các bệnh viện vừa sẵn sàng chi viện tuyến dưới, vừa khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để điều trị bệnh nhân nặng. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế đang đồng tâm, nỗ lực, tình nguyện trong cuộc chiến với vi-rút SARS-CoV-2, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Dồn sức cho công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, đến tối ngày 13/8, Trung tâm Y tế Kỳ Anh đã điều trị khỏi bệnh cho 45 người và hiện đang điều trị 74 ca bệnh; cách ly, theo dõi 5 trường hợp F1. “Gần 2 tháng đi vào hoạt động, đến nay đơn vị đã nâng cao năng lực điều trị để đáp ứng tình huống bệnh nhân vào liên tục, với số lượng lớn như trong 2 tuần nay. Bộ máy đang được vận hành khoa học và mỗi cán bộ, nhân viên trong khu điều trị đều nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng chung ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sỹ Hồ Giang Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Trưởng khu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Đến thời điểm này Trung tâm Y tế Kỳ Anh đã điều trị khỏi cho 45 bệnh nhân và hiện đang tiếp tục điều trị 74 bệnh nhân còn lại.

Hiện nay, ở vòng trong trực tiếp điều trị, Trung tâm Y tế Kỳ Anh vừa điều động thêm 3 điều dưỡng để tăng cường lực lượng. Trong điều kiện bệnh nhân đông, 15 cán bộ, nhân viên không còn thời gian để nghỉ ngơi giữa các ca trực mà cùng song song hỗ trợ nhau hằng ngày để theo dõi sát sao, điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Phan Anh chia sẻ: “Lúc này, tất cả chúng tôi đang nỗ lực điều trị hiệu quả nhất để bệnh nhân sớm trở về với gia đình, đồng thời giảm áp lực cho trung tâm. Điều thuận lợi nhất là trong kíp trực hiện tại, chúng tôi đang được bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh tăng cường về đây trực tiếp hướng dẫn, từ đó nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19. Tôi và nhiều anh em sẵn sàng tình nguyện ở lại làm việc liên tục sang kíp sau khi số lượng bệnh nhân dự báo sẽ tiếp tục tăng; mỗi người, kể cả chị em phụ nữ, có con nhỏ cũng đều chấp nhận xa nhà, toàn tâm toàn ý làm tròn nhiệm vụ”.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Điều đặc biệt trong đợt điều trị này là khoảng cuối tháng 8, Trung tâm Y tế Kỳ Anh sẽ thực hiện ca đỡ đẻ đầu tiên với sản phụ F0. Trung tâm vừa xây dựng, đưa vào hoạt động nên lúc này, phòng sản, phòng mổ mới được thiết lập để đón sản phụ mắc COVID-19 vượt cạn.

Ngoài việc đề xuất sự hỗ trợ của tuyến trên, trung tâm cũng đã chủ động nhân lực, chuẩn bị phương án và tâm thế tốt nhất. Theo bố trí, Phó Giám đốc trung tâm sẽ cùng 2 nữ hộ sinh đồng hành cùng sản phụ.

Nữ hộ sinh Phạm Thị Hoài Chi chia sẻ: “Dù đã có 10 năm kinh nghiệm nhưng em rất lo, vì đây là lần đầu tiên vận hành các thiết bị liên quan đến đỡ đẻ của trung tâm. Nhằm giúp sản phụ và em bé an toàn trong cuộc vượt cạn sắp tới, em tự nhủ mình phải chuẩn bị tâm lý thật tốt, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, tập trung cao nhất thực hiện chỉ đạo của bác sỹ để chung sức cùng mẹ tròn, con vuông, mọi người đảm bảo an toàn phòng dịch”.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm Y tế Kỳ Anh ở vòng ngoài giao ban hàng ngày để phân công các bộ phận vận hành công việc trôi chảy (ảnh 1). Các bác sỹ, điều dường ở khu vực điều trị bệnh nhân hoàn thành hồ sơ bệnh án (ảnh 2); Khám bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân hàng ngày (ảnh 3). Tổ Xét nghiệm với 2 nhân viên làm việc hết công suất để đáp ứng đáp ứng tình huống số lượng bệnh nhân đông (ảnh 4).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gọi tắt là Bệnh viện Cầu Treo), sau thời gian ngắn tạm ngừng hoạt động điều trị bệnh nhân COVID-19, đến ngày 6/8, khu điều trị bệnh nhân nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 được kích hoạt trở lại. Từ đó đến nay, những ca bệnh là người từ các tỉnh miền Nam trở về liên tục tăng, trong hơn 1 tuần, đến cuối ngày 13/8, bệnh viện đã đón tổng số 67 ca bệnh.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Anh Dương Quốc Chung - một trong 2 bác sỹ nhận nhiệm vụ đợt điều trị này cho biết: Hôm 10/8, bệnh viện đón số lượng bệnh nhân đông nhất từ trước tới nay, với 23 ca bệnh. Trời nắng nóng khủng khiếp, hàng tiếng đồng hồ liên tục làm việc trong bộ quần áo bảo hộ ngột ngạt, ai cũng mệt rã rời. Lần này số bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em khá đông, trong đó có nhiều sản phụ. Các bệnh nhân có triệu chứng cũng nhiều hơn, có 2 ca bệnh nặng đã được chuyển đi điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Tất bật thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

“Đợt điều trị này vất vả và nguy cơ lây nhiễm của chủng vi-rút mới cũng rất cao, ngoài việc mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây xác định rõ trách nhiệm, tận tâm, nhiệt huyết với công việc, chúng tôi cũng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi tối đa về thiết bị, vật tư để phục vụ công việc và tiếp tục nhận được sự “chia lửa” kịp thời từ tuyến trên” - bác sỹ Chung bày tỏ.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Trở về cách ly sau chuyến công tác hỗ trợ Bệnh viện Cầu Treo đỡ đẻ thành công cho sản phụ F0 sinh thiếu tháng trong ngày 7/8 vừa qua, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Sản, BVĐK tỉnh kể lại: “Với tinh thần sẵn sàng khi tuyến dưới cần, sau khi nhận lệnh, tôi cùng một nữ hộ sinh lập tức lên đường. Sản phụ F0 sinh non, trong khi các trang thiết bị phục vụ ca vượt cạn đặc biệt này ở Bệnh viện Cầu Treo còn thiếu thốn nên lúc đầu chúng tôi cũng rất lo. Cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế Hương Sơn, chúng tôi đã phối hợp nhịp nhàng giúp Bệnh viện Cầu Treo thành công trong ca đỡ đẻ, đón bé trai nặng 2,5 kg an toàn”.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Với sự hỗ trợ của kíp bác sỹ, hộ lý Bệnh viên Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế Kỳ Anh, Bệnh viện Cầu Treo đã đỡ đẻ thành công ca sản phụ F0 sinh non (ảnh 1,2). Các nữ hộ sinh kiệt sức sau 3 tiếng đồng hồ trong bộ quần áo bảo hộ hỗ trợ sản phụ F0 vượt cạn (ảnh 3).

Cùng với chi viện con người cho tuyến dưới, BVĐK tỉnh cũng đang khẩn trương chuẩn bị về nhân lực để tiếp nhận, vận hành Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng. Bước chuẩn bị gần nhất đó là BVĐK tỉnh vừa đưa vào vận hành khu chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mãn tính tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Hiện nay, 2 kíp bác sỹ, điều dưỡng của đơn vị đang đi học vận hành EMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) tại Hà Nội. Tham gia học kỹ thuật đợt đầu tiên, bác sỹ Bùi Văn Thiện - Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh cho biết, với sự hỗ trợ tối đa của Bệnh viện Bạch Mai, việc học tập diễn ra khá thuận lợi. Chúng tôi đang nỗ lực để tiếp cận nhanh, làm chủ kỹ thuật mới để trở về phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nặng, sẵn sàng có mặtở tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19.

Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh dồn sức trên trận tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 10/8, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh vừa đưa vào vận hành khu chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mãn tính tại khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở khu nhà Trung tâm Y học dự phòng cũ.

Theo thống kê, từ ngày 4/6 đến tối ngày 13/8, Hà Tĩnh có 280 ca COVID-19. Trong số đó có 227 ca điều trị tại Hà Tĩnh (86 bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện, 141 bệnh nhân đang điều trị). Trước mắt, khi các cơ sở y tế tuyến huyện đã vận hành tối đa công suất điều trị, trong vài ngày tới, Bệnh viện Phổi tỉnh sẽ kích hoạt khu điều trị để chuẩn bị đón bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa.

Theo kế hoạch, Hà Tĩnh sẽ đáp ứng việc thu dung, điều trị khoảng 500 bệnh nhân nhẹ và cố gắng để điều trị khoảng 60 ca mắc COVID-19 nặng, rất nặng. Đứng trước nhiệm vụ lớn, đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà với tinh thần trách nhiệm cao nhất đang đồng tâm, nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp sức cùng tỉnh nhà chống dịch COVID-19.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.