Các nữ ca sỹ Hà Tĩnh chia sẻ về hành trình chinh phục giải Sao Mai

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là một trong những tỉnh, thành có số lượng thí sinh đạt giải cao nhiều nhất ở phong cách nhạc dân gian tại sân chơi Sao Mai.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là một trong những tỉnh, thành có số lượng thí sinh đạt giải cao nhiều nhất tại giải Sao Mai - dòng nhạc dân gian trong suốt 25 năm sân chơi âm nhạc này ra đời và phát triển. Theo chia sẻ của những người trong cuộc, chính mảnh đất nghĩa tình, con người luôn chân thành, thủy chung, son sắt đã khiến những ca khúc dân gian được thể hiện bởi các giọng ca Hà Tĩnh luôn ngọt ngào, sâu lắng theo một cách rất riêng.

Người mở đường - Đinh Thị Thành Lê

Người đầu tiên đưa Hà Tĩnh lên bục giải thưởng danh giá nhất của Sao Mai là Đinh Thành Lê (tên đầy đủ là Đinh Thị Thành Lê, sinh năm 1981, ở Đức Thọ). Gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, nhưng niềm đam mê âm nhạc lại được nhen nhóm bên trong cô gái có dáng người nhỏ nhắn ngay từ những ngày còn thơ bé và cứ thế lớn dần, thôi thúc Thành Lê quyết tâm đeo đuổi con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Các nữ ca sỹ Hà Tĩnh chia sẻ về hành trình chinh phục giải Sao Mai

Ca sĩ Đinh Thành Lê - Quán quân Sao Mai dòng nhạc dân gian năm 2007. (Ảnh: NVCC)

Năm 2007, khi đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), Thành Lê được thầy giáo - Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và bạn học - ca sĩ Minh Huyền động viên thử sức với cuộc thi Sao Mai bởi “giọng hát và bản lĩnh đã đạt được độ chín”. Với chất giọng trầm khàn đặc trưng nhưng đầy trữ tình, ngọt ngào, da diết, Thành Lê chiến thắng giải quán quân dòng nhạc dân gian của Sao Mai năm đó một cách đầy thuyết phục.

Điều đặc biệt là trong đêm thi cuối cùng trước lễ trao giải, Thành Lê đã thể hiện nhạc phẩm “Hà Tĩnh mình thương” của nhạc sĩ An Thuyên. Lựa chọn một ca khúc viết về quê hương cho đêm thi quyết định, cô đã hát bằng cả trái tim và tình yêu dành cho mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Khi những câu hát đầu tiên được cất lên: “Với Hà Tĩnh mình răng mà thương mà nhớ/ Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn…”, Thành Lê rưng rưng trong niềm xúc động. Giọng hát của cô đong đầy những xúc cảm thiêng liêng về quê hương, vì thế dễ dàng chạm đến cảm xúc của người nghe.

Video: Đinh Thành Lê thể hiện ca khúc Hà Tĩnh mình thương tại Chung kết xếp hạng Sao Mai 2007.(Nguồn: Youtube)

“Sao Mai là cuộc thi đã giúp tôi trưởng thành và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp. Đó không chỉ là bệ phóng mà đã giúp tôi mở ra một hành trình mới. Sân chơi này đã cho tôi sự tự tin cùng rất nhiều cơ hội được biểu diễn ở các sân khấu trong và ngoài nước, được đi đến nhiều miền quê khác nhau để giới thiệu mình là một người con của Hà Tĩnh - niềm kiêu hãnh và tự hào lớn nhất trong tôi” - Thành Lê chia sẻ.

15 năm hoạt động chuyên nghiệp, Đinh Thành Lê được khán giả yêu mến bởi thái độ làm nghề bền bỉ, luôn vươn tới sự chỉn chu, mới mẻ trong từng sản phẩm. Cô đã xây dựng được một vị trí riêng trong dòng nhạc dân gian đa sắc màu và cũng không ít những tên tuổi. Nữ ca sĩ hiện công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thành Lê chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh có nhiều thí sinh đạt giải cao tại các cuộc thi Sao Mai, bởi dòng nhạc dân gian không phải ai muốn hát cũng hát được. “Cá nhân tôi cảm thấy như đó là một món quà mà mảnh đất Hà Tĩnh dành cho những người con quê hương ngay từ khi lọt lòng trong giọng nói, tiếng hát đã có màu sắc dân gian. Ở vùng đất là “cái nôi” của dân ca ví, giặm, cuộc sống dẫu còn vất vả, khó khăn, nhưng con người luôn lạc quan, “trọn nghĩa, vẹn tình”, những câu hò, điệu ví luôn được cất lên, nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ - nữ ca sĩ cho biết.

Bùi Lê Mận - điệu ví giặm mãi ngân vang

2 năm sau khi đàn chị Đinh Thành Lê đạt giải thưởng cao nhất tại Sao Mai 2007, Bùi Lê Mận tiếp tục mang vinh quang về cho mảnh đất núi Hồng. Tham gia Sao Mai 2009, cô gái sinh năm 1988, quê huyện Nghi Xuân gây ấn tượng bởi chất giọng dịu ngọt, sâu lắng, chứa chan tình cảm và đậm chất miền Trung. Tại cuộc thi năm đó, Bùi Lê Mận đã giành “cú đúp” giải thưởng khi được xướng tên hai lần với giải thí sinh được khán giả yêu thích nhất và danh hiệu quán quân dòng nhạc dân gian.

Các nữ ca sỹ Hà Tĩnh chia sẻ về hành trình chinh phục giải Sao Mai

Quán quân Sao Mai dòng nhạc dân gian năm 2009 Bùi Lê Mận. (Ảnh: NVCC)

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, song, từ nhỏ, Bùi Lê Mận đã đam mê âm nhạc, sôi nổi tham gia các chương trình văn nghệ của trường và địa phương. “Tôi may mắn có sự đồng hành và hỗ trợ hết mình từ bố. Cũng chính bố là người đăng ký cho tôi tham gia cuộc thi Sao Mai. Ông là khán giả lớn nhất của con gái, luôn ủng hộ và theo sát tôi trong hành trình theo đuổi nghệ thuật. Ngoài ra, tại Sao Mai, tôi nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình từ cô Thu Hằng, cô Thanh Hoa, cô Hà Thủy. Tôi thực sự rất biết ơn tất cả những điều đó” - nữ ca sĩ bày tỏ.

Bùi Lê Mận cho biết: Từ cuộc thi Sao Mai, Lê Mận được công chúng biết đến nhiều hơn, được khán giả công nhận tài năng, thực lực của mình. Cuộc thi đã tiếp thêm niềm tin cho Mận vững bước theo sự nghiệp ca hát mà mình đã lựa chọn.

Nói về dòng nhạc dân gian, nữ ca sĩ cho biết, cô rất vui vì dòng nhạc này hiện không chỉ được khán giả lớn tuổi mà nhiều bạn trẻ cũng rất thích. Đặc biệt, nhiều thế hệ ca sĩ trẻ Hà Tĩnh đã lựa chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian và hát rất hay.

Video: Giọng ca Bùi Lê Mận gắn liền với ca khúc "Điệu ví dặm là em" của nhạc sỹ Quốc Nam. (Nguồn: Youtube)

“Người miền Trung mình rất coi trọng chữ “tình”, mà đặc trưng của dòng nhạc dân gian là nếu không có cái “tình” thì sẽ không thể nào hát hay được. “Khúc ruột miền Trung” từ bao đời nay đã trở thành niềm cảm hứng sáng tác bất tận của rất nhiều nhạc sĩ. Có rất nhiều ca khúc dân gian hay viết về miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Đặc biệt, các giọng ca sinh ra ở mảnh đất này, khi hát những ca khúc viết về quê hương lại luôn đong đầy cảm xúc. Tôi nghĩ, có lẽ một phần vì quá thấu hiểu nơi chôn nhau cắt rốn nên các ca sĩ quê miền Trung dễ đồng cảm hơn với nội dung tác phẩm, từ đó có thể truyền tải bài hát một cách trọn vẹn nhất” - Lê Mận chia sẻ.

Bùi Lê Mận hiện công tác tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau 13 năm hoạt động ca hát chuyên nghiệp, cô đang có một sự nghiệp vững chắc và một tổ ấm hạnh phúc.

Lê Thị Minh Ngọc - khi “tre già, măng mọc”

Sau thành công của các đàn chị Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, nhiều ca sĩ trẻ quê Hà Tĩnh cũng đã lựa chọn sân chơi Sao Mai để thử sức, cọ xát, học hỏi. Song, phải đến năm 2022, mảnh đất núi Hồng - sông La mới một lần nữa được xướng lên ở danh hiệu cao nhất tại cuộc thi này. Và, người mang về niềm vinh dự đó là giọng ca tuổi 22 - Lê Thị Minh Ngọc (quê huyện Thạch Hà).

Các nữ ca sỹ Hà Tĩnh chia sẻ về hành trình chinh phục giải Sao Mai

Minh Ngọc mang giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm. (Ảnh: NVCC)

Minh Ngọc kể, năm 9 tuổi, khi xem ti vi thấy chị Bùi Lê Mận tỏa sáng giành quán quân dòng nhạc dân gian, cô đã rất ngưỡng mộ và đặt mục tiêu sau này được một lần hát tại sân khấu Sao Mai. “Tuổi thơ tôi được nghe lời ru, câu ví của bà, của mẹ nên hồn quê thực sự như dòng thác luôn tuôn chảy mãnh liệt. Vì thế, tôi đã chọn dòng nhạc dân gian để theo đuổi trong sự nghiệp ca hát của mình”.

Minh Ngọc hiện là sinh viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Tại Sao Mai 2022, nữ ca sĩ trẻ cho thấy sự đầu tư nghiêm túc dành cho cuộc thi. Thường xuyên làm mới bản thân, biến hóa trong mỗi đêm diễn, đặc biệt chinh phục người nghe bằng lối hát mộc mạc, giản dị nhưng rất tinh tế, Minh Ngọc xuất sắc đạt thành tích toàn thắng ở tất cả 4 đêm chung kết toàn quốc của Sao Mai, mang về giải quán quân dòng nhạc dân gian cho quê hương Hà Tĩnh sau 13 năm kể từ khi đàn chị Bùi Lê Mận chiến thắng giải thưởng danh giá này.

Minh Ngọc thể hiện ca khúc “Thập ân phụ mẫu” của dân ca Nghệ Tĩnh tại vòng chung kết toàn quốc giải Sao Mai 2022. (Nguồn: Youtube)

“Cuộc thi đã đưa tên tuổi Minh Ngọc đến gần hơn với khán giả. Song, tôi luôn tâm niệm, việc giành giải nhất ở một cuộc thi mới chỉ là xuất phát điểm. Con đường nghệ thuật có thành công hay không còn ở phía trước, đòi hỏi nghệ sĩ không được “ngủ quên trong chiến thắng” mà phải có đường đi riêng, phong cách âm nhạc riêng. Sau cuộc thi, tôi tiếp tục ra sức học tập, trau dồi bản thân, tìm hiểu thêm và nỗ lực làm mới dòng nhạc dân gian, đưa dòng nhạc này đến với đông đảo người nghe” - Minh Ngọc cho biết.

Nữ ca sĩ tâm sự, quê hương chính là cái nôi nuôi dưỡng nguồn năng lượng âm nhạc cho mình. Tại Sao Mai 2022, khi nhận được nhiều sự ủng hộ, tình cảm của khán giả cả nước nói chung và người hâm mộ quê nhà Hà Tĩnh nói riêng, cô vô cùng xúc động, hạnh phúc và biết ơn. “Trong tương lai, tôi đặt kế hoạch sẽ có thêm nhiều dự án âm nhạc hướng về quê hương để tri ân khán giả Hà Tĩnh đã hết lòng ủng hộ mình” - Minh Ngọc cho hay.

Được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần từ năm 1997, Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc (Giải Sao Mai) được đánh giá là một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát uy tín và danh giá nhất tại Việt Nam, với quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao.

Trong suốt 13 lần cuộc thi được tổ chức, Hà Tĩnh vinh dự có đến 3 quán quân (Đinh Thành Lê - 2007, Bùi Lê Mận - 2009, Lê Thị Minh Ngọc - 2022); 5 á quân (Đăng Thuật - 2007, Thụy Miên - 2013, Phạm Thùy Dung - 2013, Trần Thị Bích Ngọc - 2015, Phan Quỳnh Anh - 2019), 2 giải ba (Thanh Quý - 2019, Thùy Dương - 2022) và nhiều thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi.

Các giọng ca sinh ra ở mảnh đất núi Hồng, sông La thử sức với Sao Mai ở cả 3 dòng nhạc, song nhiều nhất vẫn là phong cách nhạc dân gian. Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh, thành có số lượng thí sinh đạt giải cao nhiều nhất ở phong cách nhạc dân gian tại sân chơi này.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…