Cẩm Xuyên đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất

(Baohatinh.vn) - Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang tập trung tích tụ, chuyển đổi ruộng đất gắn với cải tạo đồng ruộng để sản xuất vụ lúa xuân năm 2025.

Xứ đồng thôn Hưng Lộc, xã Cẩm Hưng những ngày qua như một đại công trường. Trên cánh đồng, gần chục máy cày, máy xúc thi nhau san gạt bờ thửa nhỏ và các cồn đất hoang hóa, cất bốc mộ vô chủ để quy hoạch lại vùng sản xuất. Từ những ô thửa nhỏ với diện tích khoảng 1 sào/thửa, chỉ sau 1 tuần, máy móc đã gom lại thành những ô thửa lớn liền vùng, liền thửa. Bình quân mỗi thửa sau chuyển đổi ruộng đất đạt diện tích 1,5 ha.

bqbht_br_z6198845601347-df0531d9f04ef8a5ff52a58f51a8c78a.jpg
Máy móc tập trung làm đất để chuyển đổi ô thửa nhỏ thành cánh đồng lớn ở thôn Hưng Lộc, xã Cẩm Hưng.

Ông Nguyễn Đình Hoạt – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Diện tích chuyển đổi đợt này khoảng 21ha ở thôn Hưng Lộc. Chúng tôi đã hoàn thành việc chuyển đổi ô thửa trên đồng và đang tiến hành đo đạc lại diện tích để tổ chức cho người dân bốc thăm. Sau chuyển đổi, diện tích sản xuất tăng lên 10 – 15%. Số diện tích này sẽ được chia cho những công dân sinh sau năm 1993 chưa được chia ruộng. Công tác chuyển đổi ruộng đất được tập trung hoàn thành trước 15/1 để kịp xuống giống vụ xuân theo phương châm 4 cùng - cùng làm đất, cùng xuống giống, cùng chăm bón và cùng thu hoạch”.

Không riêng xã Cẩm Hưng, thời điểm này, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) cũng đang hỗ trợ người dân thuê máy móc để triển khai tập trung, chuyển đổi 35 ha ruộng đất ở thôn Mỹ Am nhằm kịp xuống giống vụ xuân năm 2025. Sau khi được UBND huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ về công tác đo đạc diện tích, xã đã tiến hành cho các hộ dân bốc thăm chia lại ruộng. Ruộng đất sau chuyển đổi trở nên bằng phẳng, liền vùng, liền thửa, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất nên khi bốc thăm, người dân ai cũng vui vẻ nhận ruộng.

bqbht_br_z6198845601346-8ec03aceb472171668f9b6e3df9eda9c.jpg
Cánh đồng thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan như đại công trường chuyển đổi ruộng đất.

Ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan chia sẻ: “Tập trung, tích tụ ruộng đất tại thôn Mỹ Am là điều kiện thuận lợi để địa phương chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2025. Sau khi hoàn thành công tác bốc thăm chia lại ruộng, chúng tôi sẽ chỉ đạo người dân thuê máy làm lại đất lần cuối để xuống giống vào ngày 13/1, đảm bảo tiêu chí “một cánh đồng, một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác”, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho người dân”.

Vụ xuân năm 2025, toàn huyện Cẩm Xuyên có 7 xã (Nam Phúc Thăng, Cẩm Dương, Cẩm Quan, Yên Hòa, Cẩm Lạc, Cẩm Minh và Cẩm Hưng) triển khai tập trung, chuyển đổi ruộng đất với tổng diện tích 546,8 ha. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, huyện Cẩm Xuyên đã thực hiện chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất đạt diện tích 1.491,3 ha. Các diện tích dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất đã khẳng định hiệu quả, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 10-15% so với sản xuất truyền thống.

bqbht_br_z6198845564691-2bb5581e133af741808fd772a3eacaea.jpg
Người dân xã Cẩm Quan bốc thăm chia lại ruộng.

Vụ xuân năm 2025, huyện Cẩm Xuyên dự kiến gieo cấy gần 9.000 ha lúa. Với phương châm hình thành những cánh đồng lớn để sản xuất theo tiêu chí “một cánh đồng, một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác”, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp tại các địa phương; xây dựng mô lúa cá hữu cơ tại xã Cẩm Quang và xã Cẩm Lạc…

Ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhờ chủ động về nguồn nước nên lịch gieo cấy của các địa phương đều triển khai đồng loạt cùng một thời điểm. Theo đó, toàn huyện sẽ triển khai gieo cấy từ ngày 10/1 và kết thúc trước ngày 5/2. Ngoài các giống đại trà sản xuất nhiều năm, ổn định về năng suất như: Nếp 98, Khang Dân, Xuân Mai 12 thì huyện tiếp tục cơ cấu các bộ giống năng suất cao như: VNR20, BT09, HaNa số 7, Bắc Thịnh, ADI 168, Hà Phát 3… Ở những vùng đã tập trung ruộng đất, huyện chỉ đạo một số địa phương liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng hữu cơ, sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, hình thành cánh đồng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác” để nâng cao năng suất, giá trị cho bà con nông dân”.

bqbht_br_z6198845601439-9179ea014aa2b289f676773d2289beee.jpg
Huyện Cẩm Xuyên đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất để sản xuất vụ xuân năm 2025.

Với việc đẩy mạnh tập trung, chuyển đổi ruộng đất, huyện Cẩm Xuyên đang quyết liệt xây dựng những cánh đồng lớn để sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa nhằm đưa vụ xuân năm 2025 thắng lợi toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị trên đơn vị diện tích cho bà con nông dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Thời tiết thuận lợi, vựa hành tăm tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho năng suất cao, song giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Những ngày này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc những gốc đào với hy vọng cây sẽ bung nở vào đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.
Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung lấy nước vào ruộng, tỉa dặm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ để đảm sự sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, HTX Đoàn viên (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã phát triển đa ngành nghề để tạo ra các giá trị kinh tế và đóng góp vì cộng đồng xã hội.
Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Trong những ngày áp Tết, từ các triền đồi, ngả đường đến các phiên chợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều mọng đỏ màu cam bù - loại quả đặc sản, đậm dấu phong thổ địa phương…
Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.