Trên xứ đồng Chăn Nuôi của thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), máy gặt đập liên hoàn đang chạy phăng phăng thu hoạch những hạt thóc vàng óng, chắc mẩy. Lúa thu hoạch đến đâu, Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC (Thạch Hà) thu mua đến đó với giá 9.000 đồng/kg (cao hơn các loại lúa sản xuất truyền thống 2.500 đồng/kg - PV) khiến bà con nông dân phấn khởi.
Ông Nguyễn Kỳ Việt – Trưởng thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình chia sẻ: “Đây là vụ thứ 4 chúng tôi chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích hơn 15ha. Ở vụ này, người dân tiết kiệm được khoảng 30% chi phí sản xuất; năng suất lúa cũng đạt 3,3 tạ/sào, cao hơn vụ trước 0,5 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống hơn 400.000 đồng/sào nên ai nấy đều phấn khởi”.
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên cả cánh đồng thôn Bình Quang trở nên màu mỡ. Trong lúc gặt lúa, bà con nông dân còn thu hoạch được rất nhiều cá tự nhiên. Đây chính là hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ mà chính quyền địa phương đang từng bước xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao cho người tiêu dùng. Vừa qua, mô hình được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL (Hà Nội) cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng trọt chuyển đổi năm thứ nhất để phù hợp với các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài mô hình tại xã Cẩm Bình, vụ xuân này, huyện Cẩm Xuyên đã nhân rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở nhiều địa phương khác trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 93,7ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Các cánh đồng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ bước đầu cho thấy hiệu quả và lợi nhuận cao.
Không chỉ thâm canh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, huyện Cẩm Xuyên còn “theo đuổi” sản xuất hữu cơ trên các loại rau màu và chăn nuôi lợn. Đáng kể như 3 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tuần hoàn liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế) ở các xã: Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Cẩm Thịnh (quy mô 5-8 lợn nái và 50 lợn thịt/lứa/mô hình); mô hình sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ tại thôn Tân An, xã Cẩm Bình (diện tích 2 ha); mô hình sản xuất lúa – cá tại xã Cẩm Bình và xã Cẩm Lạc; 2 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản sạch ở thị trấn Cẩm Xuyên...
Bên cạnh các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, huyện Cẩm Xuyên còn xây dựng mô nông nghiệp tuần hoàn nuôi giun quế để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 11 hộ dân tham gia nuôi giun quế với quy mô từ 50 – 100 m2/hộ. Với mô hình này, chất thải trong chăn nuôi lợn, bò... được dùng để làm thức ăn cho giun quế còn sản phẩm giun quế được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, tạo thành một chuỗi tuần hoàn khép kín mang lại lợi nhuận cao.
Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu cho thấy hiệu quả và lợi nhuận cao hơn từ 15 – 30% so với phương thức sản xuất truyền thống. Đặc biệt, môi trường, hệ sinh thái được cải thiện rõ rệt. Từ hiệu quả của các mô hình, người dân được nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi tập quán canh tác”.
Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu, hiện nay, UBND huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng đề án và có các chính sách hỗ trợ để giúp người dân triển khai các mô hình. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình; từng bước xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải tạo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân.