Vào hạ, trời Can Lộc xanh thăm thẳm, mây trắng in hình trên mặt nước sông Nghèn, hồ công viên Tuy Phước, hồ Trại Tiểu, hồ Nhà Đường. Dưới trời xanh, dãy Trà Sơn, núi Trọ Voi, Mũi Mác... càng cao vợi và vững chãi. Đồng ruộng, phố phường, làng quê ngời ngợi sức sống...
Dưới trời xanh Can Lộc, một cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Ảnh Thanh Hải
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Cũng trời mây non nước ấy, những ngày tháng 5 lịch sử này, khi Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ 36 đang cận kề, người dân càng thêm yêu mến, tự hào về vùng địa linh nhân kiệt, mảnh đất văn hóa và cách mạng, can trường, nhân nghĩa, thủy chung...
Trong nắng và gió ngời ngợi, dưới màu trời thiên thanh, văng vẳng tiếng gươm mài đá và tiếng thơ đầy khí tiết của người anh hùng Đặng Dung ở thế kỷ XV: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma (Thù nước chưa xong, đầu đã bạc/ Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà)
Dưới trời xanh lồng lộng, tượng đài Xô viết ở ngã ba Nghèn như một nhân chứng về truyền thống đấu tranh anh dũng của mảnh đất này. Những ngày tháng sôi sục căm hờn 1930-1931, sau khi Đảng bộ Hà Tĩnh lâm thời được thành lập ở bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc), Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cao trào Xô viết. Hàng vạn bước chân nông dân Can Lộc, Thạch Hà đã đổ về đây để biểu tình chống chế độ hà khắc của thực dân Pháp.
Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh Thanh Hải
42 người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống và quyền tự do. Khí chất anh hùng của họ đã truyền lại cho con cháu mai sau. Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền sớm nhất trong cuộc tổng khởi nghĩa 1945. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 - xã Tiến Lộc, cầu Nhe, đồi Con Công (Phú Lộc)... đã làm ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Mỗi cành cây ngọn cỏ nơi đây còn thấm máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Và dưới trời xanh thăm thẳm, tiếng chuông Đồng Lộc ngân nga giai điệu bi tráng của lịch sử, ru giấc ngủ an lành của những người con anh hùng. Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc uy nghiêm cao vọi dưới trời xanh và huyền thoại về 10 đóa hoa trinh nữ đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước lay động, thức tỉnh lương tri con người.
Di sản văn hóa - điểm nhấn du lịch
Dưới trời xanh thăm thẳm, những báu vật của cha ông để lại càng thêm lung linh và sáng rõ. Hiếm có nơi đâu như Trường Lưu (nay là xã Kim Song Trường) còn “lưu lại dài lâu” những di sản văn hóa được UNESCO công nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mộc bản Phúc Giang thư viện và Hoàng Hoa sứ trình đồ, từ di sản dòng họ Nguyễn Huy đã trở thành di sản thế giới.
Cũng nơi đây, nhiều báu vật của cha ông còn được bảo tồn như nhà cổ, giếng cổ, đình làng Trường Lưu và hát ví phường vải - một thể hát thuộc ví giặm từng được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bia Sùng Chỉ họ Hà ở Tùng Lộc được công nhận là bảo vật quốc gia. Nhiều dòng họ ở Can Lộc đã đóng góp cho đất nước những bậc hiền tài như họ Hà, họ Võ, Nguyễn Huy... Trong đó, dòng họ Ngô Trảo Nha có 18 quận công, được công nhận kỷ lục quốc gia.
Ngoài ra, chùa Hương Tích - “Hoan châu đệ nhất danh lam” là địa chỉ văn hóa - du lịch nổi tiếng của Hà Tĩnh; nhà thờ Xuân Diệu, nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy, nhà thờ Thám hoa Phan Kính, Nguyễn Thiếp... đều là những địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo người dân đến tham quan.
Hồ Trại Tiểu - một trong những nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái đã và đang được khai thác của Can Lộc.
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Can Lộc có 82 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 15 di tích quốc gia. Trong dự thảo báo cáo chính trị đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Can Lộc xác định 3 mũi đột phá.
Một trong 3 mũi đột phá là: Xây dựng hạ tầng tăng kết nối, ưu tiên đô thị và các trung tâm thị tứ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển thương mại; từng bước đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện tại, chùa Hương Tích đã được đầu tư 120 tỷ đồng để phát triển hạ tầng du lịch. Huyện đang tích cực kết nối với các công ty du lịch lớn trong nước và Hiệp hội Du lịch - Văn hóa UNESCO để tăng cường quảng bá và phát triển tour, tuyến; xây dựng các địa chỉ phục vụ du lịch tại Đồng Lộc, Cửa Thờ - Trại Tiểu - Trà Sơn, du lịch trải nghiệm nông thôn mới Thiên Lộc, Thượng Lộc v.v…
Một trong các giải pháp được dự thảo báo cáo chính trị nêu ra là: bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa, con người quê hương Can Lộc. Cụ thể là: tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, thể thao; trùng tu, nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quê hương, đất nước.
“Hoàng hoa sứ trình đồ” trở thành Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bảo tồn và phát huy Mộc bản Trường Lưu và Hoàng Hoa sứ trình đồ, hát ví phường vải Trường Lưu. Lập quy hoạch xây dựng làng văn hóa Trường Lưu, đưa Trung tâm Di sản văn hóa Trường Lưu không chỉ là nơi bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa, mà trong tương lai gần xây dựng Làng văn hóa Trường Lưu thành điểm du lịch của Can Lộc, của Hà Tĩnh.
Tới đây, khi các ý tưởng này trở thành hiện thực, Can Lộc sẽ là nơi tìm về của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Câu hát “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc” của nhạc sĩ Doãn Nho sẽ là một định vị về con người và mảnh đất nơi đây.