Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - “Đợt khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự vừa rồi, xã có 106 thanh niên thuộc đối tượng thì trong đó 100 người đã đi làm ăn xa nên phải cho gọi về” - ông Vũ Trung Tiến - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) mở đầu câu chuyện về sự thiếu hụt nhân lực gây khó khăn trong phát triển các phong trào ở địa phương.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Ở xã Kỳ Thượng, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà bỏ không vì chủ nhân đi làm ăn xa

Thanh niên, người trong độ tuổi lao động ly hương đi làm ăn xa là thực trạng mà những năm gần đây Kỳ Thượng đang phải đối mặt. Những ngôi nhà bỏ hoang, những gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ, thiếu vắng bóng dáng người trẻ ngày một xuất hiện nhiều ở xã miền núi này.

Ông Vũ Trung Tiến cho biết: “Xã hiện có gần 1.000 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hoặc làm ăn tại các tỉnh trong nước, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Điều này khiến cho việc xây dựng kinh tế, phát triển phong trào tại địa phương gặp nhiều khó khăn”.

Vợ chồng ông Phan Văn Nhin – bà Phan Thị Thuần (thôn Bắc Tiến) năm nay đã 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải thay vợ chồng con trai chăm sóc hai đứa cháu.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Đã 70 tuổi nhưng vợ chồng ông Nhin (thứ hai từ trái sang) vẫn phải nuôi dạy cháu cho các con đi làm ăn xa

Chỉ tay về phía ngôi nhà bỏ không bên cạnh, ông Nhin cho biết: “Nhà của vợ chồng con trai tôi đấy. Vợ chồng nó đi làm ăn ở Hà Nội được hơn năm nay rồi, hai đưa cháu, một đứa học lớp 8, một đứa lớp 4 ở với vợ chồng tôi. Thu nhập cũng chẳng ăn thua, tháng gửi về được 500 nghìn, nhiều thì 1 triệu”.

Với số tiền chu cấp hàng tháng ít ỏi đó, ông bà Nhin phải chật vật mới lo đủ cho hai cháu. Cái ăn, cái mặc ông bà còn cố gắng lo được, còn việc học thì gần như phụ thuộc vào sự tự giác của các cháu.

“Chúng tôi già rồi, chỉ nhắc nhở cháu chứ không kèm cặp được việc học. Cũng may là hai chị em cháu đều chăm ngoan, nghe lời ông bà” - bà Thuần chia sẻ.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Sống xa bố mẹ nên cháu nội của ông bà Nhin khá tự giác trong việc học

Ông Nguyễn Hựu và bà Nguyễn Thẩm (thôn Tân Tiến) thì không phải chăm cháu thay con vì các con của ông bà đi làm ăn xa mang theo cả gia đình. Nhưng cũng chính vì thế mà gia cảnh trống vắng, hơn 80 tuổi, ông bà vẫn tự chăm sóc nhau, ốm đau phải nhờ đến hàng xóm láng giềng.

Kỳ Thượng là xã miền núi, diện tích đất sản xuất hoa màu ít, chủ yếu là đồi núi. Nhưng việc ly hương ồ ạt, muốn phát triển kinh tế vườn đồi ở địa phương cũng không hề dễ dàng. Sau cơn bão năm 2017, nhiều diện tích keo tràm, cây lâm nghiệp bị hư hại; số diện tích mới phục hồi thì chưa cho thu hoạch.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Ngôi nhà của con trai ông Nhin bỏ không, nhờ ông bà trông coi.

Không có việc làm, cải tạo đất rừng khó khăn buộc người dân nơi đây phải đi làm ăn xa. Thiếu lao động, việc huy động nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới cũng gặp khó. Hầu hết các thôn đều phải kêu gọi con em ở xa thay vì đóng góp ngày công thì đóng góp kinh phí để thuê người làm.

Thiếu hụt lực lượng trẻ, Đoàn thanh niên địa phương khá “đau đầu” để hoạt động. Bí thư Đoàn xã Kỳ Thượng Phan Anh Dũng cho biết: “Trên địa bàn có hơn 1.300 đoàn viên, thanh niên nhưng hơn ½ số đó đi làm ăn xa, hoạt động đoàn chủ yếu dựa vào số đoàn viên đang học cấp 3”.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Người trong độ tuổi lao động ly hương, gây khó khăn cho xây dựng kinh tế và phát triển phong trào tại địa phương

Cũng theo anh Dũng, quân số thiếu hụt, nhân lực không đủ đáp ứng yêu cầu, mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hầu như không xây dựng được. Đoàn cũng không thu được đoàn phí nên càng khó khăn trong việc lập kế hoạch, duy trì các hoạt động thường xuyên.

Hiện nay, với đề án khôi phục sản xuất ở vùng thượng Kỳ Anh, xã Kỳ Thượng đang khuyến khích người dân địa phương bám đất, phát triển kinh tế vườn đồi. Các loại cây công nghiệp như chè, cây ăn quả có múi được lựa chọn để thay thế cây keo tràm.

Chuyện từ những ngôi nhà bỏ hoang ở xã vùng cao Hà Tĩnh

Địa phương khuyến khích người dân bám đất, phát triển các mô hình trồng chè, cây ăn quả có múi

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, địa phương đã chuyển được 15 ha diện tích cây tràm bị gãy đổ sang trồng chè; trồng mới 7 ha cây ăn quả; thực hiện chính sách hỗ trợ 20 nghìn đồng/cây giống cho hộ trồng có diện tích 1 ha trở lên… Hy vọng với những chính sách mới sẽ giữ chân lực lượng trẻ ở lại phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.