Cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng "giá rẻ" cho người dân, doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Tình hình sản xuất – kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dần sôi động là cơ hội để các ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh phát triển tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quý I/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh nhìn chung tăng trưởng thấp, thậm chí có không ít ngân hàng tăng trưởng âm như: LPBank Hà Tĩnh, Techcombank Hà Tĩnh, ACB Hà Tĩnh, BIDV Nam Hà Tĩnh... Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng chu kỳ tết Nguyên đán cộng với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý I của người dân, doanh nghiệp còn cầm chừng, dẫn đến nhu cầu vay vốn đầu tư không cao.

Bước sang quý II là giai đoạn cộng đồng doanh nghiệp tăng tốc sản xuất - kinh doanh và đây là cơ hội để ngành ngân hàng phát triển dư nợ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đồng hành hỗ trợ nền kinh tế, các ngân hàng ở Hà Tĩnh đang triển khai các gói tín dụng "giá rẻ", tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, quan tâm cải thiện quy trình cho vay vốn đảm bảo quy định.

bqbht_br_0543.jpg
Đến 31/3/2025, tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 15.800 tỷ đồng.

Đến 31/3/2025, tổng dư nợ của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 15.800 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 0,2% so với đầu năm. Con số này phản ánh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý I còn nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ (Vietcombank Hà Tĩnh): Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tổ chức làm việc trực tiếp với khách hàng để cung cấp, tư vấn cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank; chủ động kết nối tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng; chủ động thông báo các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất của Nhà nước đang áp dụng để khách hàng nắm bắt, đề xuất thụ hưởng…

Quý II/2025, BIDV Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ ít nhất 500 tỷ đồng. Để sớm về đích kế hoạch, chi nhánh ngân hàng này đã áp dụng các chương trình tín dụng với lãi suất hấp dẫn.

bqbht_br_065.jpg
Quý II/2025, BIDV Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ ít nhất 500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Chiến – Trưởng phòng Khách hàng cá nhân II (BIDV Hà Tĩnh) cho biết: “Từ ngày 26/3/2025 – 31/12/2025, BIDV ra mắt gói vay mua nhà cho người trẻ tốt nhất, lớn nhất thị trường với quy mô 40.000 tỷ đồng dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi. Tiếp cận gói vay này, khách hàng được hưởng lãi suất cố định 5,5% trong 3 năm đầu, miễn trả gốc trong 5 năm đầu, thời gian vay tối đa 40 năm. Đây là cơ hội để những người trẻ được tiếp cận vốn vay mua đất ở, nhà ở, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, đối với chủ đầu tư thực hiện dự án bất động sản thương mại cho người trẻ, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi cố định 6%/năm trong 2 năm. Những gói tín dụng ưu đãi được "tung" ra thị trường, chi nhánh kỳ vọng nhanh chóng tăng trưởng dư nợ trong quý II”.

Tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: HDBank, LPBank, SHB, ACB…, bên cạnh “dốc vốn” phục vụ sản xuất – kinh doanh cho các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đang ưu tiên dòng vốn phục vụ tiêu dùng cho mục đích mua nhà ở, đất ở với lãi suất ưu đãi.

Với các gói tín dụng lãi suất thấp cùng các giải pháp cải tiến quy trình cho vay, tiếp cận vốn, tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng đối với các khách hàng đủ điều kiện… từ các ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vay.

9241.jpg
Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) đảm nhận thi công nhiều công trình trọng điểm trong nước.

Ông Bùi Đình Ước – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) cho hay: “Chúng tôi thường xuyên giao dịch tín dụng tại các ngân hàng: BIDV Hà Tĩnh, MB Bank Hà Tĩnh… Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, đang đảm nhận nhiều dự án trọng điểm trong cả nước, doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư lớn. Đặc biệt, quý II khi thời tiết thuận lợi, áp lực về giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xem xét cung cấp các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hoặc lãi suất cố định trong thời gian dài, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho ngành xây dựng, hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các dự án lớn…”

Tính đến ngày 31/3/2025, dự nợ của hệ thống tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh đạt khoảng 111.000 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cuối năm 2024.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực 8, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2025; phấn đấu giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

bqbht_br_img-1786.jpg
NHNN Việt Nam vừa tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.

NHNN khu vực 8 tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, các đề án, dự án trọng điểm về kinh tế - xã hội, khai thác các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa bàn. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.