Chị Phan Thị Phương Thảo (SN 1986) đang sở hữu hơn 300 tổ ong ở miền núi Hương Sơn.
Chị Phan Thị Phương Thảo (SN 1986, trú tại thôn Đình, xã Sơn Châu, Hương Sơn) đang là nhân viên thư viện - thiết bị của Trường Tiểu học An Hòa Thịnh nhưng vì đam mê với nghề nuôi ong, chị đã mạnh dạn thử sức với “nghề tay trái” - nuôi ong lấy mật.
Chị Thảo cho biết, lợi thế của việc nuôi ong ở vùng núi là có nguồn thức ăn phong phú từ thiên nhiên với rất nhiều loài hoa. Cách đây 5 năm (2017), chị bắt đầu xây dựng những tổ ong đầu tiên với mục đích lấy mật phục vụ nhu cầu gia đình. Với một người “tay ngang”, ban đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn, thất bại nhiều lần do thiếu kinh nghiệm.
“Có những lúc đàn ong bị rụng cánh không bay được, bò xung quanh tổ rồi chết hàng loạt. Hay những lần đi tìm mật, ong bị ngộ độc hóa chất (nhất là thuốc trừ sâu), ong bị chết trên đường về tổ. Nhìn cảnh tượng hàng chục tổ ong chết trong vài ngày, thiệt hại cả chục triệu đồng mà xót của lắm”, chị Thảo kể.
Vì đam mê với nghề nuôi ong, chị Thảo đã dày công học hỏi kinh nghiệm, đầu tư kỹ thuật đảm bảo đàn ong sinh trưởng khỏe mạnh.
Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, chị Thảo đã tự tìm tòi nghiên cứu kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Chị còn dày công đi học hỏi ở những mô hình khác để làm chủ được kỹ thuật nuôi loài vật này.
Quyết tâm xây dựng bằng được mô hình của mình, năm 2020, tận dụng khu vực rộng lớn của đồi núi, chị đầu tư nuôi hơn 300 tổ ong đảm bảo môi trường cho ong phát triển. Để đàn ong được chăm sóc chu đáo, chị cũng thuê 3 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập là 6 triệu đồng/người/tháng.
“Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn bỏ ra ban đầu không lớn nhưng cần dành nhiều thời gian cho chúng và coi nghề này là một đam mê thực sự. Hiện nay, tôi là nhân viên thư viện - thiết bị của Trường Tiểu học An Hòa Thịnh nhưng sau mỗi giờ đến trường, tôi lại dành toàn tâm, toàn ý cho đàn ong” - chị Phan Thị Phương Thảo chia sẻ.
Mỗi tháng, đàn ong cho thu hoạch khoảng 300 lít mật (giá bán 200.000 đồng/lít) và 200 hộp sữa ong chúa (mỗi hộp bán với giá 150.000 đồng).
Theo chị Thảo, mỗi tháng, đàn ong cho thu hoạch khoảng 300 lít mật (giá bán 200.000 đồng/lít) và 200 hộp sữa ong chúa (mỗi hộp bán với giá 150.000 đồng). Tính bình quân, mỗi tháng, mô hình nuôi ong của chị Thảo cho doanh thu khoảng 90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chị Thảo còn làm dịch vụ bán ong chúa, đàn ong giống và dụng cụ nuôi cho những hộ dân có nhu cầu. Tính ra, mỗi năm, gia đình chị đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi ong. Quan trọng hơn, sản phẩm mật ong được nuôi tại vùng núi, tận dụng được diện tích và nguồn hoa nên thành phẩm mật đều hoàn toàn từ tự nhiên.
Chị Thảo thực hiện quy trình lấy sữa ong chúa.
Đến nay, mô hình của chị Thảo đã ổn định và cho thu nhập đều đặn. Chị tiếp tục phát triển đàn, vừa nhận giúp đỡ, truyền nghề cho các hộ nuôi khác. Ông Phan Hữu Lanh, người dân ở xã Kim Hoa cho biết: “Tôi là một trong những hộ trong thôn được chị Thảo tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, nhờ vậy chúng tôi cảm thấy tự tin hơn để đầu tư phát triển mô hình kinh tế mới. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 20 tổ ong lấy mật, đang phát triển tốt".
Mô hình của gia đình chị Phan Thị Phương Thảo là mô hình nuôi ong đầu tiên do Hội LHPN xã phát động. Sau nhiều năm dày công chăm sóc, tâm huyết đầu tư đã cho hiệu quả tốt, trở thành mô hình nuôi ong lớn nhất ở xã Sơn Châu. Quan trọng hơn, đây còn là địa chỉ để các hội viên và nhiều người dân có thể tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.