Việc cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng góp phần nâng cao ý thức chấp hành về an toàn thực phẩm
Tháng 2/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm với điểm nổi bật là cho phép hơn 90% loại sản phẩm được tự công bố chất lượng.
Các loại sản phẩm được tự công bố chất lượng là các mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Tự công bố chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về mọi thông tin của sản phẩm đã công bố. Điều này góp phần nâng cao ý thức chấp hành về an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Hà Tĩnh.
Chị Mai Thị Kim Oanh - chủ cơ sở sản xuất bánh Trang Oanh (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nghị định 15 đã tạo thuận lợi cho cơ sở chúng tôi. Trước đây khi muốn đưa ra thị trường một sản phẩm thì phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ, mất nhiều thời gian. Từ khi được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm, chúng tôi được chủ động đảm bảo các khâu, từ nhập hàng đến sản xuất. Chúng tôi xác định việc chịu trách nhiệm về công bố chất lượng sản phẩm cũng đồng nghĩa với niềm tin người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của cơ sở".
Nghị định 15 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao ý thức trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh: HTX sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát ở Cẩm Xuyên).
Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng không buông lỏng quản lý.
Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm không có nghĩa là doanh nghiệp muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng được. Nếu công bố không đúng thì không những bị xử phạt nặng mà còn bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai và cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở đó dừng sản xuất”.
Doanh nghiệp tự công bố chất lượng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý
Nghị định 15 ra đời đã cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đến nay, 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có các sản phẩm thuộc đối tượng công bố chất lượng đã thực hiện quy định tại Nghị định 15.
Trong các đợt kiểm tra về việc đảm bảo ATVSTP ở các đơn vị sản xuất thực phẩm, đoàn liên ngành đều quan tâm đến việc thực hiện các cam kết trong công bố chất lượng sản phẩm và xử phạt nghiêm đối với những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, sau gần 2 năm đi vào thực tiễn tại Hà Tĩnh, việc thực hiện Nghị định vẫn còn những khó khăn nhất định.
“Tại Hà Tĩnh, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ khá lớn và thường xuyên biến động, trong khi Nghị định 15 quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm chưa đầy đủ, đặc biệt là các loại thực phẩm không phổ biến, thực phẩm đặc thù địa phương. Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc công bố chất lượng mà cơ quan quản lý cũng lúng túng trong công tác kiểm tra, quản lý” - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết thêm.
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường, nếu các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sản phẩm đó không đảm bảo ATVSTP, thì việc thu hồi các sản phẩm này trên thị trường gặp không ít khó khăn.