Nhiều nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh gặp khó do mực nước thấp

(Baohatinh.vn) - Mực nước của các hồ chứa xuống rất thấp khiến các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn Hà Tĩnh vận hành khó khăn, sản lượng điện phát lên lưới giảm mạnh so với cùng kỳ.

Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn (thuộc xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) được đưa vào khai thác từ năm 2011 với công suất 33 MW, gồm 2 tổ máy phát điện. Nguồn nước phục vụ sản xuất điện của nhà máy được lấy từ hồ Nước Lạnh.

Những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhà máy tương đối thuận lợi do nguồn nước của hồ vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, từ tháng 5 lại nay, do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, mực nước của hồ Nước Lạnh giảm sâu gây khó khăn cho công tác vận hành của nhà máy.

Nhiều nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh gặp khó do mực nước thấp

Mực nước của hồ Nước Lạnh đã tiệm cận mực nước chết.

Ông Phạm Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện Hương Sơn cho biết: “5 năm qua, đây là năm nhà máy gặp khó khăn nhất trong vận hành sản xuất, kinh doanh do hồ chứa thiếu nước. Từ tháng 5 lại nay, nguồn nước tại hồ giảm trầm trọng, đã tiệm cận mực nước chết nên nhà máy phải “liệu cơm gắp mắm”. Qua theo dõi, ngày 9/6/2023, cao trình hồ Nước Lạnh chỉ đạt 798,75 m so với mực nước biển, gần chạm mực “nước chết” (mực nước chết là 798,5 m so với mực nước biển). Hiện nay, nhà máy chỉ sản xuất được 1 - 2 tiếng mỗi ngày, trong đó ưu tiên phát điện vào những giờ cao điểm khi phụ tải điện tăng cao theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm giảm quá tải cho lưới điện quốc gia”.

Được biết, nếu như thời điểm thuận lợi, Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn có thể phát lên lưới 200 MW/ngày, song, thời điểm này, chỉ phát được khoảng 70 MW/ngày. Từ đầu năm lại nay, nhà máy phát lên lưới 32 triệu kWh (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng trên 6 triệu kWh). Năm nay, nhà máy đặt kế hoạch sản xuất 115 triệu kWh nhưng dự báo là khó đạt (năm 2022, sản lượng điện của nhà máy phát lên lưới là 120 triệu kWh).

Nhiều nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh gặp khó do mực nước thấp

Công nhân vận hành các tổ máy phát điện của Nhà máy Thuỷ điện Hương Sơn.

Tại huyện Hương Khê, tình hình vận hành của Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô cũng đối mặt khó khăn do nguồn nước từ hồ chứa liên tục giảm. Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện Hố Hô cho hay: “Từ đầu năm lại nay, lưu lượng mưa cũng như lượng nước về hồ chứa giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, ngày 25/4/2023 vừa qua, lượng nước trong hồ gần như cạn với cao trình 65m so với mực nước biển (tức là thấp hơn mực nước chết: 67,5m so với mực nước biển). Rất may từ ngày 26/4/2023 – 10/5/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh có 2 trận mưa nên lượng nước của hồ có tăng. Nhờ vậy, hiện nay, cao trình của hồ chưa đã đạt 68m so với mực nước biển và nhà máy phải cân đối để vận hành 5 tiếng cao điểm/ngày. Cùng đó, khi có đề xuất hỗ trợ của ngành điện, nhà máy sẽ nỗ lực phát thêm từ 1 – 2 tiếng/ngày để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định".

Nhiều nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh gặp khó do mực nước thấp

Cao trình hồ chứa tại Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô vào trưa ngày 9/6 là 68m so với mực nước biển.

Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô có công suất 14 MW với 2 tổ máy phát điện. Năm 2023, nhà máy đặt mục tiêu phát lên lưới 37 triệu kWh và 5 tháng đầu năm sản lượng điện của nhà máy mới chỉ đạt 9,5 triệu kWh (bằng 70% so với cùng kỳ năm 2022). Thời điểm này, nhà máy đang chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp kỹ thuật để duy trì hoạt động tới ngày 30/6/2023, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ghi nhận, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, song các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chủ động cân đối nguồn nước, linh hoạt triển khai các giải pháp kỹ thuật để vận hành trong khả năng có thể. Đặc biệt, trong các khung giờ cao điểm, phụ tải điện tăng cao, các nhà máy thuỷ điện đã nỗ lực phát điện lên lưới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thông tin, hiện nay, mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ đạt thấp. Thậm chí một số hồ xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Hiện lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy.

Tính đến ngày 8/6, 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.

Nhiều nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh gặp khó do mực nước thấp

Người dân cần tiếp tục chung tay tiết kiệm điện nhằm giảm tải áp lực cho lưới điện trong thời điểm nắng nóng.

Theo dự báo trong tháng 6 và tháng 7, nắng nóng còn gia tăng cường độ, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng đột biến, trong khi sản lượng phát lên lưới của các nhà máy thuỷ điện giảm, để giảm thiếu quá tải lưới điện trong giai đoạn nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Theo đó, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chuyên môn như: thực hiện tắt đèn, tắt các thiết bị điện không cần thiết trong các gia đình, cơ quan, công sở; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt; hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 - 14h30 và buổi tối từ 20h - 22h).

Người dân cũng nên bật máy điều hòa khi cần thiết và vừa đủ sử dụng (từ 26oC trở lên và sử dụng kết hợp với quạt), không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn... Đối với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn, các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất, cần triển khai nghiêm túc kế hoạch tiết kiệm điện nhằm tiết giảm chi phí; chủ động thực hiện phương án điều chỉnh phụ tải theo quy định và sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện...

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast