Công ty CP May Hà Tĩnh điêu đứng vì lao động bỏ việc

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, hàng loạt lao động nữ tại Công ty CP May Hà Tĩnh (đơn vị thành viên của Mitraco) bỏ việc. Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.

2 năm lại nay, nhờ linh hoạt và năng động, Công ty CP May Hà Tĩnh đã ký kết được hợp đồng với những bạn hàng lớn như: Công ty Pacipic (Đài Loan), Công ty CeBec (Nhật Bản)… nên “đầu ra” không giới hạn. Đơn đặt hàng nhiều, cơ hội mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động là điều chẳng phải bàn cãi, nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, số lao động “nhảy việc” xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm. Từ chỗ hơn 460 lao động (năm 2015), đến thời điểm hiện tại chỉ còn 320 người.

cong ty cp may ha tinh dieu dung vi lao dong bo viec

Công ty CP May Hà Tĩnh hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng cho đối tác do thiếu nguồn lao động.

Giám đốc Công ty CP May Hà Tĩnh Bùi Tất Thắng cho rằng: “Có 4 tiêu chí quan trọng nhất để thuyết phục đối tác ký kết hợp đồng là uy tín, chất lượng, thời gian giao hàng và trình độ quản lý nguyên phụ liệu. Trong đó, tiến độ giao hàng là yếu tố quan trọng nhất”. Việc duy trì mọi hoạt động của nhà máy cũng như giữ chữ tín với khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực. Nguồn lao động bị thiếu hụt không chỉ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch đầu năm, làm doanh thu bị giảm sút mà nguy hiểm hơn là rất dễ “đẩy” các đơn hàng về tay các doanh nghiệp (DN) khác; đồng thời, dồn DN đến nguy cơ phải đóng cửa nhà máy. Có rất nhiều yếu tố tác động khiến công nhân may bỏ việc nhiều, trong đó có nguyên nhân khách quan là thu nhập không cao, nên rất khó “níu chân” người lao động.

Nhiều công nhân cho rằng, “thời điểm cao nhất lương cũng chỉ đạt trên 3 triệu đồng. Tính tất cả các khoản, kể cả đóng nộp BHYT, BHXH, thu nhập hàng tháng cũng không quá 4 triệu đồng, trong khi thời gian làm việc nhiều (26 ngày/tháng)”. Nghề may mặc vốn thu nhập không cao, ở Công ty May Hà Tĩnh lại thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung toàn quốc vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là DN nằm khá xa cảng biển nên chi phí vận chuyển “đội” lên khá nhiều.

Theo những người trong cuộc, “nếu đứng chân ở Hải Phòng, Bình Dương hoặc TP Hồ Chí Minh - nơi cận kề các cảng biển, hàng năm, công ty sẽ tiết kiệm nhiều tỷ đồng chi phí vận chuyển”. Điều đáng nói nữa là, xung quanh công ty không có DN hoạt động cùng nghề hoặc các ngành liên quan để trao đổi, chia sẻ khó khăn cũng như cung cấp nguyên phụ liệu nhằm hạ giá thành sản phẩm (số tiền này hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng) nên dù hàng hóa xuất khẩu trực tiếp, thu nhập người lao động vẫn không cao.

“Nghịch lý lại ở chỗ, lao động ở công ty chủ yếu là nữ, tuổi đời trẻ, trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội đều thấp, nhưng lại đòi hỏi mức thu nhập cao. Bởi vậy, bên cạnh lý do là đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nhiều lao động lợi dụng việc giúp đỡ gia đình thu hoạch mùa màng rồi “bùng” việc luôn, gây không ít khó khăn cho công ty” - ông Thắng thất vọng cho biết thêm.

Hết quý I/2017, doanh thu Công ty CP May Hà Tĩnh mới chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là 2,7 tỷ đồng. Nhằm đối phó với tình trạng lao động bỏ việc nhiều, công ty đề ra giải pháp trước mắt là đến ngày 15/4, sẽ chấm dứt hoàn toàn hợp đồng đối với đơn đặt hàng với đối tác Mỹ, chỉ giữ lại đơn hàng 50.000 sản phẩm của Đài Loan và đơn hàng của công ty Nhật Bản. Công ty cũng hy vọng từ quý II trở đi sẽ tuyển dụng thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng. Vì chưa cần bàn đến mục tiêu phấn đấu doanh thu bằng năm 2016 (31 tỷ đồng), ở thời điểm hiện tại, những đơn hàng đã được ký kết với các đối tác cũng đang trong tình trạng “trứng quảy đầu gậy”.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.