Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm lan tỏa nông nghiệp tử tế

(Baohatinh.vn) - Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) đang là người bạn của bà con nông dân Hà Tĩnh, lan tỏa tư duy làm nông nghiệp tử tế, vì sự phát triển bền vững.

Ông Ngô Ngọc Hân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ: Quế Lâm là doanh nghiệp “đầu kéo” dẫn dắt sản xuất hữu cơ

Hội Nông dân huyện Đức Thọ với vai trò là người dẫn dắt các phong trào đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện tham mưu giải pháp; rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tiêu biểu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, điều mà bà con nông dân cảm nhận rõ nhất là môi trường sản xuất an toàn, nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các chất tăng trưởng, chất phụ gia trong thức ăn gia súc; sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng cung cấp cho thị trường và đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách thức truyền thống. Điều quan trọng, bà con nông dân dần thay đổi tư duy, chuyển hướng sản xuất, tạo sức lan tỏa lớn nhằm thực hiện hiệu quả Chị thị số 40-CT/HU ngày 28/3/2024 của BTV Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, Đức Thọ có 5 mô hình sản xuất lợn hữu cơ, 1 mô hình chăn nuôi bò; 1 mô hình chăn nuôi gà và 20 ha lúa hữu cơ tại 3 xã: Yên Hồ, Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Huyện đã xây dựng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại thị trấn Đức Thọ. Sự dẫn dắt, đầu kéo của Tập đoàn Quế Lâm giúp chúng tôi tự tin mở rộng các mô hình, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ của huyện phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cùng lãnh đạo huyện Đức Thọ tham quan cửa hàng kinh doanh nông sản hữu cơ tại thị trấn Đức Thọ.

Ông Trần Văn Hợp - thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh): Nông nghiệp hữu cơ đã cho gia đình tôi cơ ngơi kinh tế vững vàng

Gia đình tôi “bén duyên” với nông nghiệp hữu cơ từ hơn 10 năm trước, kể từ khi sản xuất lúa DT39 của Tập đoàn Quế Lâm. Hơn ai hết, chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt của sản xuất hữu cơ và các cách thức sản xuất khác, sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, môi trường. Năm 2022, Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ trên địa bàn, vợ chồng tôi may mắn được lựa chọn. Mô hình bắt đầu từ 5 lợn nái, chúng tôi được hướng dẫn làm chuồng trại, quy trình chế biến thức ăn, cả những bài thuốc dân gian là “bí kíp” phòng các loại dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

So với trước đây, nuôi lợn hữu cơ vất vả hơn, như việc thức ăn phải đảm bảo quy trình ủ đúng kỹ thuật (trong 36 tiếng vào mùa hè và 48 tiếng vào mùa đông) trước khi cho lợn ăn, chuồng trại cũng thường xuyên phải sạch sẽ, thoáng khí… Đổi lại, con nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh; không ô nhiễm môi trường; chất lượng thịt ngon và được thị trường ưa chuộng. Lứa lợn đầu tiên tôi bán ra 30 con, thu về gần 30 triệu đồng. Trong năm nay, tôi cũng đã xuất 2 lứa (mỗi lứa 30 con), hiện còn 10 con nái và 40 con lợn thịt, dự kiến sẽ xuất toàn bộ lợn thịt trong dịp Tết này với giá nhập được cam kết từ Tập đoàn Quế Lâm là 65.000 đồng/kg. Quan trọng, tôi đã xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn: trồng lúa và hoa màu vừa để ăn, bán ra thị trường và phục vụ thức ăn hữu cơ cho chăn nuôi; các chất thải chăn nuôi sẽ quay trở lại bón cho cây trồng và sản xuất lúa. Hiện nay, diện tích sản xuất của gia đình là 4.000 m2, gần đây, nhiều bà con đã đến học hỏi, tham quan khiến tôi rất vui vì có thể đã tìm được nhiều người cùng chí hướng.

Chị Lê Thị Hiền - thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc (Thạch Hà): Mong có nhiều bà con nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Với mong muốn tăng cao hiệu quả kinh tế vườn, từ nhiều năm trước, gia đình tôi đã tìm hiểu và mua các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất các loại dưa hấu, dưa chuột và rau trong nhà lưới. Qua thời gian thực hiện, đất đai tơi xốp, xuất hiện nhiều loại vi sinh vật có lợi đã hỗ trợ đắc lực cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, giảm sâu bệnh (nhất là bệnh nấm). Đặc biệt, đối với cây chủ lực là dưa lưới, mỗi năm tôi trồng 3 vụ, thu về khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán cao hơn các hình thức sản xuất khác từ 10-15%, mỗi vụ gia đình tôi thu về khoảng trên 100 triệu đồng. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm trong nhà lưới của gia đình được Tập đoàn Quế Lâm thu mua với giá ổn định, không lo sản xuất thiếu đầu ra.

Áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, vườn dưa lưới của gia đình chị Lê Thị Hiền luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt và được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu 100% sản phẩm.

Những kết quả đó đã giúp vợ chồng tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất với kỳ vọng lớn hơn, có thể cải hóa được những vùng đất bạc màu, hoang hóa. Tôi đã thuê 2,5 ha đất do địa phương quản lý, là vùng đất bỏ hoang để trồng các loại cây ăn quả, gồm: 5.000 m2 nhãn, 5.000 m2 na dai, 4.000 m2 na Đài Loan, 2.000 m2 ổi, 1.000 m2 mít. Toàn bộ quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm đều liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, không chỉ kỳ vọng tăng thu nhập cho gia đình, tôi còn mong muốn sẽ lan tỏa thêm nhiều người nông dân chuyển hướng sản xuất, đầu tư nông nghiệp hữu cơ, cải tạo đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển theo hướng sinh thái, an toàn, vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 9 địa phương trong toàn tỉnh. Tổng diện tích gieo cấy lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ hơn 500 ha, trong đó, hơn 100 ha theo chuỗi giá trị khép kín. Công ty cũng hợp tác trồng, chăm sóc trên 600 gốc cam; 200 gốc ổi tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc; triển khai thành công 20 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học tham gia chuỗi liên kết giá trị Quế Lâm.

Năm 2025, công ty tiếp tục mở rộng và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; phấn đấu mở rộng thêm từ 15-20 mô hình, nâng tổng đàn nái lên 100 con, hằng năm cung cấp 2.000 con lợn thịt; xây dựng và phát triển các cửa hàng tiêu thụ nông sản hữu cơ thuộc mạng lưới liên kết với công ty. Cùng đó, tiếp tục phối hợp tổ chức cho cán bộ, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất của công ty nhằm nâng cao năng lực cho người sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy cho bà con nông dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói