Sáng 4/1, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tổ chức hội nghị tổng kết chuỗi giá trị liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 tại Hà Tĩnh.
Năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với chính quyền cấp huyện chọn HTX, hộ nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh tăng cả đơn vị, nông hộ và số lượng vật nuôi, cây trồng.
Công ty đã phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức hàng trăm cuộc tọa đàm, nói chuyện cho hơn 4.000 lượt người là cán bộ chủ chốt, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân; tổ chức 7 lớp đào tạo, rèn nghề cho nông dân. Doanh nghiệp cũng đã đón 21 đoàn vào thăm các mô hình, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn 4F Phong Thu và làm việc với công ty tại Huế.
Đến nay, tại Hà Tĩnh, diện tích lúa được chuyển giao sản xuất theo quy trình hữu cơ an toàn Quế Lâm đạt hơn 340 ha tại các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang, tăng 27% so với năm 2023; diện tích liên kết sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị đạt gần 58 ha. Các loại cây ăn quả như vú sữa tím đã trồng mới 2,8 ha/4 hộ; cam 2,8 ha/2 hộ; dưa hấu 1,4 ha; đậu tương 1,8 ha.
Tổng số hộ chăn nuôi lợn là 68 hộ với đàn nái 197 con, lợn thịt 3.900 con, tăng 110% so với năm 2023. Theo đánh giá, đàn lợn phát triển tốt, các hộ chăn nuôi đều có vườn rau, chuối, gắn kết chăn nuôi với trồng trọt, tạo ra các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn.
Công ty đã hỗ trợ các địa phương thông qua hội nông dân và trực tiếp hộ dân với số lượng men xử lý rơm rạ hạn chế đốt đồng ô nhiễm môi trường hơn 1.000 kg tại các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc. Đức Thọ. Các nông hộ đã dùng men xử lý chuồng trại trong chăn nuôi xử lý mùi hôi và làm phân bón tại nhà số lượng là 1.200 kg/năm.
Ngoài ra, hiện nay, 9 cửa hàng tiêu thụ nông sản hữu cơ được duy trì hoạt động và sản phẩm được đa dạng. Sự phát triển và hiệu quả của các cửa hàng là nhân tố quan trọng quyết định sự bền vững sản xuất theo chuỗi Quế Lâm.
Triển khai kế hoạch sản xuất năm 2025, công ty tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn tại Hà Tĩnh. Trong đó, đưa diện tích lúa được chuyển giao sản xuất theo quy trình hữu cơ an toàn Quế Lâm 800 ha, tăng 50% so với năm 2024. Diện tích liên kết sản xuất chuỗi lúa gạo hữu cơ là 220 ha; chú trọng phát triển các loại cây ăn quả như vú sữa, dưa hấu, cam, bưởi...
Phấn đấu đưa tổng đàn lợn nái lên 470 con, lợn thịt 8.500 con, số hộ tham gia 125 hộ; chăn nuôi bò vàng 16 nái/6 hộ; nuôi gà ri thuần lên 500 gà bố, mẹ tạo ra khoảng 5.000 gà thịt.
Đồng thời, phối hợp các địa phương để thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký đào tạo cho cán bộ quản lý, cán bộ các tổ chức đoàn thể, giám đốc HTX và nông dân với các địa phương đã đăng ký kế hoạch (Đức Thọ, Hương Khê, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Lộc Hà, Vũ Quang) và các địa phương khác. Công ty sẽ đào tạo khoảng 80 cán bộ và 350 người là giám đốc HTX và nông dân.
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi của công ty Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm trên địa bàn Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt khẳng định, Hà Tĩnh đang chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trong đó, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã có nhiều mô hình sản xuất lúa, cây ăn quả, chăn nuôi lợn bước đầu được triển khai hiệu quả, nhận được sự quan tâm của nhiều bà con nông dân. Qua quá trình tuyên truyền, nhiều bà con nông dân đã thay đổi nhận thức, hướng về sản xuất sạch, hữu cơ, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 15/5/2024 phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030”. Vì thế, thời gian tới, các doanh nghiệp, địa phương cần tiếp tục chú trọng triển khai đề án, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống về nông nghiệp hữu cơ; đầu tư hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp…